Không phải cứ thích là... rút
Trong quá trình tham gia giao thông, không ít các trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) dừng phương tiện vi phạm và bất ngờ rút chìa khóa xe. Điều này gây phản cảm với hình ảnh chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ. Vậy thực chất CSGT có được rút và giữ chìa khóa của người vi phạm giao thông hay không?
Theo quy định tại Điều 5 thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát đường bộ của CSGT, không có quy định việc CSGT được rút và giữ chìa khóa xe của phương tiện giao thông.
Mặt khác theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quy định: Khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực.
Như vậy, nếu CSGT thực hiện việc rút và giữ chìa khóa phương tiện giao thông trong lúc thực hiện việc kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ là không đúng quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA. Người bị kiểm tra hành chính có quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi vi phạm của CSGT theo quy định pháp luật.
Đứng cũng phải đúng chỗ
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi kiểm soát tại một điểm trên đường, CSGT phải đứng ở vị trí thích hợp trên vỉa hè, mép phần đường xe chạy, vạch kẻ đường để phân làn, phân tuyến xe chạy hoặc dải phân cách...
Khi ra hiệu lệnh dừng phương tiện vi phạm phải đảm bảo an toàn cho người vi phạm cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác và cả bản thân cán bộ chiến sĩ.
CSGT (thường đi từ 2 - 3 xe môtô chuyên dùng) tuần tra kiểm soát không được lập chốt đứng hơn 15 phút mà phải thường xuyên TTKS trên đường; ngoại trừ lực lượng có kế hoạch được lãnh đạo phê duyệt thực hiện chuyên đề bắn tốc độ, xử lý nồng độ cồn, quá tải... mới được phép đứng tại một địa điểm nào đó thích hợp, thuận lợi trong thời gian dài để thi hành nhiệm vụ.
CSGT cũng không được bất ngờ lao ra giữa đường dùng gậy ra hiệu lệnh yêu cầu dừng phương tiện vi phạm vì hành vi này rất dễ gây nguy hiểm cho người vi phạm, người đi đường khác và cả cho bản thân CSGT.