CSGT được dừng xe kiểm tra trong trường hợp nào?
Theo Luật Giao thông đường bộ, CSGT chỉ được dừng xe trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
CSGT có phải chứng minh vi phạm?
Nếu là trường hợp trực tiếp phát hiện lỗi, CSGT luôn phải thông báo cho bạn biết lỗi vi phạm trước khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ hoặc xét phạt bạn. CSGT có nghĩa vụ phải chứng minh được bạn đã vi phạm luật giao thông và đồng thời bạn cũng có quyền chứng minh mình không vi phạm lỗi đó. Với bất kì lỗi nào, bạn cũng nên yêu cầu cho xem bằng chứng ví dụ hình ảnh trong camera bắn tốc độ…
Còn vấn đề người bị dừng phương tiện có quyền đề nghị cán bộ công an cho xem văn bản được cử đi làm nhiệm vụ hay không? Thì theo quy định người dân không có quyền “xem văn bản được cử đi làm nhiệm vụ hay không”, vì Kế hoạch công tác của lực lượng CSGT là một loại tài liệu nghiệp vụ của ngành Công an, chỉ có những người có trách nhiệm và có thẩm quyền mới được kiểm tra.
Người dân tuy không được quyền xem văn bản cử đi làm nhiệm vụ của CSGT nhưng có quyền theo dõi, giám sát các hoạt động của CSGT. Nếu phát hiện nghi vấn có các đối tượng giả danh lực lượng CSGT để gây khó khăn, người dân hoàn toàn có thể ghi hình, chụp ảnh, phản ánh những sai phạm đến các cơ quan chức năng.
Xử phạt và lập biên bản thế nào?
Có 2 loại xử phạt: Tại chỗ hoặc lập biên bản chờ quyết định phạt. CSGT khi lập biên bản thì đều có chữ ký, thông tin cụ thể. Người tham gia giao thông phải xem kỹ biên bản, cơ quan và các nội dung thông tin khác trong biên bản. Khi cầm biên bản có quyền đọc, xem xét và ghi chép rồi mới ký.
Nếu thấy biên bản có vấn đề có thể gọi điện thoại, kiểm tra, gọi về các cơ sở công an địa phương quay đó rồi lúc đó mới nộp phạt. Đặc biệt, công an các tỉnh, các địa phương đều có đường dây nóng. Chúng ta có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng để hỏi về tình hình này.
Ngoài ra, đối với trường hợp mà cảnh sát giao thông vẫn tiến hành xử phạt, lập biên bản mà người tham gia giao thông không có lỗi thì mình vẫn ký biên bản xử phạt (thể hiện mình đã chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cảnh sát) nhưng LƯU Ý khi ký biên bản xử phạt PHẢI ghi ý kiến của mình, Ví dụ: Tôi không đồng ý với quyết định xử phạt số...của công an, cảnh sát..., tôi không có lỗi, tôi không đồng ý với quyết định xử phạt này... và sau đó khiếu nại hành vi đó của cảnh sát giao thông đề nghị giải thích, đưa ra bằng chứng và giải quyết cho mình.