Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ xin ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Trong đó, tại khoản 2, điều 12 của dự thảo Nghị định quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.
Theo đó, trước ngày 1/7/2022 thực hiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên. Sau đó 1 năm, trước ngày 1/7/2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc.
Tới ngày 1/7/2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1/7/2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.
Cùng với đó, các thông tin của lái xe trong quá trình làm việc bao gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày sẽ được lưu trữ trong hộp đen theo đề xuất của Bộ GTVT. Ngoài ra, các xe phải có thiết bị giám sát hành trình có chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh trong quá trình làm việc của lái xe.
Dự kiến, sẽ có gần 350 nghìn ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thay thế, bổ sung các thiết bị cần thiết để phù hợp với yêu cầu của Bộ GTVT.
“Trên thị trường, giá một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh khoảng 4 - 5 triệu đồng. Cùng đó, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120 nghìn đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỉ đồng/năm”, Bộ GTVT cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo này, có ý kiến cho rằng việc lắp camera trên xe sẽ như tránh được các tình trạng tiêu cực như nhồi nhét khách, lái xe mất tập trung hay giúp phân tích khi có tai nạn, đặc biệt là sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc do ngủ gật, mất tập trung mới đây.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, mới 2 năm trước, đã có gần 1 triệu phương tiện vận tải phải lắp thêm hộp đen theo Nghị định 117/NĐ-CP để giám sát hành trình. Và theo quy định mới này, các thiết bị này sẽ trở nên lỗi thời, phải thay đổi hoặc thay mới gây lãng phí ngân sách cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nước.