Chia sẻ của tôi là từ kinh nghiệm thực tế có được, nếu có thiếu sót nhờ các bạn bổ sung thêm.
1. Chuẩn bị bằng lái
Việc đầu tiên phải chuẩn bị đó là bằng lái. Về cơ bản thì bằng lái thẻ PET hiện tại của Việt Nam đã có song ngữ Việt - Anh nên có thể được chấp nhận ở nhiều nơi rồi. Có thể chỉ cần bằng lái này là các bác đã thuê được xe và lái ở nước ngoài. Nhưng tôi cẩn thận hơn, tôi xin Giấy phép lái xe quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Và lấy luôn cái Bản dịch của IAA (International Automobile Association. INC). Mỗi nước mỗi kiểu, cứ chuẩn bị kỹ cho chắc ăn.
Lúc thuê xe thì bên Europcar có xem bằng lái gốc của tôi và cả những giấy tờ liên quan. Tôi nghĩ là để cho chắc ăn hơn thôi. Và vì Tôi chả gặp chuyện gì trong suốt 1.600 km ở các nước Đức, Thuỵ Sĩ, Áo,… nên tôi không biết liệu 2 cái phụ kia có giá trị thế nào. Nhưng theo tôi, để hạn chế tối đa các rắc rối có thể phát sinh thì tốt nhất là chuẩn bị đủ cho nó yên tâm. Lái xe mà tâm trạng lo lắng thì cũng không ổn.
Giấp phép lái xe quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì có thể xin online rất nhanh. Tầm 1 tuần là đã có giấy phép gửi về tận nhà. Các bác vào trang web: https://dichvucong.gplx.gov.vn/faces/registration/home.xhtml để thực hiện theo hướng dẫn.
Cái bản dịch của IAA thì tuỳ bạn nào cần thì làm hoặc không cũng chả sao. Nó chỉ là bản dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau mà thôi. Ví dụ không phải ông cảnh sát Đức nào cũng biết tiếng Anh. Có bản dịch tiếng Đức là mọi thứ đơn giản hơn ngay. Để làm cái giấy của IAA thì Google một phát là ra rất nhiều dịch vụ. Nó có thời hạn từ 1 năm cho đến nhiều năm, nhưng các bạn nhớ căn theo giấy phép lái xe gốc nhé. Chi phí thì mỗi nơi mỗi giá, các bạn tìm hiểu trước khi làm.
Các bạn lưu ý, bằng lái xe gốc và hộ chiếu là 2 loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo bên mình khi lái xe. Các loại giấy khác chỉ mang tính bổ sung và hoàn toàn không có giá trị nếu không đi cùng bằng lái gốc và hộ chiếu. Có một số bạn lầm tưởng là cái giấy và thẻ do IAA cấp là có giá trị như bằng lái gốc. Cái này là sai nhé. Nếu không có bằng lái gốc và hộ chiếu thì các bác có thể gặp rắc rối to.
2. Thuê xe
Việc thuê xe ở châu Âu, Mỹ hay các nước phát triển khá đơn giản. Có rất nhiều dịch vụ cho thuê xe ô tô với mức giá cạnh tranh và có nhiều văn phòng đặt ngay ở sân bay. Muốn thuê xe các bác có thể truy cập online vào trang web của các dịch vụ như Europcar, Hertz, Avis, Rental Cars, Sixt, Enterprise, Budget,… Các bạn cứ tham khảo, tuỳ thằng nào phù hợp với nhu cầu và có mức giá hợp lý thì thuê thôi.
Để thuê xe thì cần có các loại giấy tờ gồm Hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ tín dụng. Tất cả đều là cái bắt buộc phải có nhé. Thẻ tín dụng sẽ được trả chi phí thuê và “giữ cọc” phòng trường hợp có phát sinh chi phí, ví dụ như bị ăn giấy phạt hoặc có va quẹt. Các bạn cũng nên mua bảo hiểm để phòng ngừa trường hợp gặp tai nạn. Nếu không mua bảo hiểm mà xui xui gặp tai nạn thì ăn cho hết. Chi phí cho những thứ này ở châu Âu là cực kỳ cao. Nói chung là cứ mua bảo hiểm cho chắc ăn.
Nếu thuê online và book ngày trước thì lúc đến địa điểm lấy xe các bạn chỉ cần liên hệ văn phòng của hãng cho thuê xe để làm chút thủ tục nữa, sau đó lấy chìa khoá xe và lên đường thôi. Bình xăng của xe sẽ được đổ đầy trước lúc nhận xe. Và khi trả xe các bạn cũng cần phải đổ đầy lại.
3. Địa điểm nhận và trả xe
Tuỳ theo lịch trình mà các bác lên thì có thể lựa chọn điểm nhận và trả xe phù hợp. Thông thường thì nhận ở sân bay ngay lúc vừa xuống máy bay và trả cũng ở sân bay khi chuẩn bị lên máy bay về nước hoặc đi đến một nơi khác. Hầu như tất cả các sân bay lớn đều có các văn phòng dịch vụ của những hãng cho thuê xe. Cực kỳ tiện lợi!
Các bác có thể nhận xe ở Đức, trả ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ hoặc nhiều nơi khác. Lúc làm thủ tục thuê xe có thể lựa chọn địa điểm này. Thuê ở Đức, trả ở Đức thì chi phí sẽ rẻ hơn. Thuê chỗ nào, trả đúng chỗ đó thì lại càng rẻ hơn nữa. Nói chung là tất cả đều rõ ràng, cứ gõ vô là nó ra chi phí thôi.
4. Chi phí thuê xe
Mức giá thuê xe từ các hãng đa số cũng tương đương nhau, không chênh lệch quá nhiều. Tuỳ loại xe sẽ có mức giá khác nhau. Xe nhỏ rẻ hơn xe rộng, xe phổ thông rẻ hơn xe hạng sang, xe số sàn cũng rẻ nữa. Chi phí tôi tính trung bình cho chuyến đi của tôi là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/ngày, bao gồm tiền thuê xe và tiền xăng; chưa tính chi phí cầu đường và các thứ khác có liên quan. Xe tôi thuê là loại phổ thông, giá rẻ, hãng Opel nên cũng không cao. Nếu các bác thuê VW, Audi, BMW hay Mercedes thì tất nhiên sẽ đắt hơn. Tuỳ nhu cầu mà tính thôi.
Nhìn chung chi phí thuê xe ở châu Âu, nếu chọn xe phổ thông thì cũng chỉ đắt hơn Việt Nam chút đỉnh. Nhưng vì được trả ở khác điểm thuê nên thuận tiện hơn nhiều.
Đợt tôi đi thì tôi phải bắt tàu lửa từ Thuỵ Sĩ qua Đức để thuê xe. Vì nếu thuê ở Thuỵ Sĩ thì giá đắt hơn gần 3 lần so với thuê ở Đức, dù cùng loại xe. Lý do là chi phí ở Thuỵ Sĩ cao hơn Đức rất nhiều. Từ Thuỵ Sĩ chỉ cần bắt tàu lửa ra thành phố giáp biên với Đức là có thể thuê xe rẻ hơn rồi.
5. Luật giao thông và các quy tắc khi lái xe ở châu Âu
Tốt nhất các bạn nên dành chút thời gian trước chuyến đi để tìm hiểu về luật giao thông và một số quy tắc đặc biệt ở các quốc gia mà các bác dự định sẽ lái xe. Về cơ bản thì luật giao thông, các loại biển báo đều tương đồng nhau; chỉ có một số khác biệt nhỏ. Nhưng chính những khác biệt đó sẽ có thể khiến các bác bối rối nếu không tìm hiểu trước.
Trên cao tốc ở các nước châu Âu thì lane ngoài cùng bên trái (đối với những nước lái xe bên phải giống Việt Nam) là chỉ để vượt, không được giữ lane. Sau khi vượt xong thì phải vào lane trong, nếu không vào thì có thể bị cảnh sát giữ lại hoặc xui thì có thằng nó báo cảnh sát hoặc bị phạt nguội. Trên Autobahn của Đức, có những đoạn cho chạy thoải mái, không hạn chế tốc độ thì nhiều xe chạy trên mức 200 km/h. Vậy nên lane ngoài cùng bên trái lúc nào cũng để dành vượt hoặc cho những xe chạy quá nhanh như vậy. Tôi chạy cỡ 180-190 km/h mà bọn đó cũng vượt ầm ầm. Bạn nào mới qua mà chạy chưa quen tốc độ cao chắc cũng khớp chứ không đùa đâu.
Tuy nhiên chạy cao tốc lại đơn giản hơn chạy trong đường nội thị rất nhiều. Lên cao tốc thì cứ đúng lane mà chạy, đúng tốc độ theo biển báo mà chạy. Còn vô nội thị thì có đèn xanh, đèn đỏ, làn quẹo trái, quẹo phải, đi thẳng, nhường đường cho người đi bộ, xe điện hay vòng xuyến,… Đặc biệt cũng có những biển báo khu dân cư, hạn chế tốc độ 50 km/h hoặc thấp hơn tuỳ theo có biển báo hay không. Các bạn lưu ý cái này nếu không dễ bị bắn tốc độ. Ở trên cao tốc thì khi bắn tốc độ sẽ có biển thông báo trước. Còn trong nội thị hình như không có, em có để ý nhưng chưa thấy.
Trong vòng xuyến thì tuỳ quốc gia sẽ có quy tắc khác nhau. Ví dụ ở Đức thì nhường trái hoặc theo luồng xe; còn ở một số nước khác thì thằng nào vô trước là được đi trước. Nói chung phải tìm hiểu trước khi đi và sẽ có thêm kinh nghiệm thực tế lúc chạy trên đường. Từ từ sẽ quen thôi.
Lúc chạy ở châu Âu em có bị bấm còi 3 lần. Chủ yếu là do mình lơ ngơ, phân vân khi qua giao lộ và vòng xuyến. Cái này phải chấp nhận thôi vì do chưa quen. Mà bọn bên đó nó chạy nhanh lắm khi qua giao lộ hoặc vòng xuyến. Nó cứ đúng luật nó chạy nên mình lơ ngơ là dễ cản đường nó. Khi nó bấm còi là nó có ý “chửi” mình chứ bình thường chả ai bấm còi. Mà cũng kệ tía nó đi, vì nếu nó qua nước mình chạy xe thì có khi còn lơ ngơ hơn, hoặc thậm chí không dám cầm vô-lăng.
Nhìn chung, việc lái xe ở các nước phát triển dễ hơn lái ở Việt Nam chúng ta nhiều. Cứ tuân thủ luật và bình tĩnh là xong hết. Cứ tự tin là đã có thẻ tín dụng “giữ cọc” rồi. Cùng lắm về nhà nó trừ tiền hoặc gửi giấy về thôi.
Nguồn: FB Lê Vương Thịnh