Phanh khẩn cấp là một kỹ thuật quan trọng mà người điều khiển xe cần sử dụng thành thạo. Mục đích của việc phanh khẩn cấp nhằm dừng xe nhanh chóng mà không để bánh xe bị khóa. Bởi khi khóa bánh, chiếc xe rất dễ trượt dẫn đến mất lái.
Theo kinh nghiệm của các tài xế lâu năm, để có thể phanh khẩn cấp, tài xế cần đạp chân phanh mạnh nhưng không để khóa bánh xe.
Nếu bánh bị khóa, cần nhanh chóng nhả chân phanh rồi đạp mạnh chân phanh một lần nữa để nắm lại quyền điều khiển xe, khi chiếc xe có dấu hiệu trượt. Tiếp đó, điều chỉnh vô lăng, lái xe về hướng an toàn mà mình chọn.
Hiện nay, một số dòng xe được trang bị hệ thống chống bó phanh (ABS) sẽ tự động phanh rồi nhả để chống trượt xe. Khi điều khiển dòng xe này, bạn có thể đạp mạnh chân phanh khi xe đang vận hành.
Một số người phanh khẩn cấp không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến tình trạng bánh xe bị trượt. Cách giải quyết đó là nhả chân ga để xe đi chậm lại, giữ chặt tay lái, khi các bánh xe bắt đầu quay trở lại thì từ từ đánh lái vào làn đường của mình. Lưu ý là chỉ đạp phanh với lực vừa đủ để không làm khóa bánh.
Ngày nay, đa số các mẫu ô tô đều có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) làm tiêu chuẩn. Bên cạnh đó còn hàng loạt các công nghệ an toàn khác như Phanh tự động khẩn cấp, Cảnh báo va chạm, Kiểm soát hành trình, Cân bằng điện từ… hỗ trợ người lái tối đa trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, việc trang bị cho mình những vốn kiến thức cơ bản về lái xe an toàn sẽ không thừa khi gặp tình huống bất trắc.