Nhưng nếu vẫn có công việc phải đi hoặc bất ngờ đối mặt với mưa bão thì nên lưu ý những gì để hạn chế tối đa nguy hiểm và thiệt hại?
Cần chuẩn bị trước
Trước khi quyết định với việc phải lái xe vào vùng mưa bão, hãy kiểm tra hệ thống phanh, đèn và cần gạt nước có hoạt động tốt hay không, lốp xe đã bị mòn quá chưa.
Nếu các bộ phận này đã quá cũ hoặc hoạt động không đảm bảo, cần sửa chữa hoặc thay thế tốt nhất có thể trước khi lái xe vào vùng mưa bão.
Ngoài ra, tài xế cũng cần chuẩn bị cho các tình huống khó khăn có thể xảy ra trong mưa bão ngư lái xe qua vùng ngập nước, đường bị chia cắt do sạt lở, vật cản trên đường như cây đổ,...
Khi lái xe trong mưa bão
Như đã nói ở trên, trong mưa bão, ngay cả các cơn bão được dự báo không quá mạnh, chúng vẫn tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy.
Một trong những vấn đề đầu tiên là tầm nhìn của tài xế sẽ bị hạn chế, khiến cho việc quan sát đường đi, biển báo, các xe khác đều khá khó khăn. Không những thế, nhiều rủi ro có thể ập đến, đường trơn gió mạnh cũng dễ khiến xe mất lái.
Vì thế, tài xế cần đi chậm và quan sát thật kỹ đường đi. Cần duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào, đặc biệt là với các xe tải lớn, xe siêu trường siêu trọng.
Bởi những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của lái xe. Cũng đừng cố vượt khi chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.
Cố gắng quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những vật cản hay sự cố mà xe trước đã gặp phải.
Tài xế cần bật đèn cốt hoặc đèn sương mù ngay cả khi mưa nhỏ cũng như lúc trời âm u, khi cơn mưa sắp ập tới. Điều này không chỉ giúp cho việc quan sát đường tốt hơn, mà còn giúp các lái xe khác thấy rõ xe bạn. Việc bật đèn pha khi có xe chạy đối diện sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.
Tuyệt đối không tránh né, chuyển hướng bất ngờ, dừng đỗ xe đột ngột... Tắt điện thoại và các phương tiện giải trí để tập trung thính giác để lắng nghe tín hiệu đèn, còi, thông báo của các xe khác cũng như đề phòng mọi tình huống bất ngờ xảy ra.
Vận dụng thị giác, khứu giác để quan sát, ngửi… phát hiện sớm các trường hợp cháy, chập hệ thống điện do bị ngâm trong nước. Nếu xảy ra chạm, chập điện cần phải báo hiệu dừng xe khẩn cấp. Tắt máy.
Lái xe qua đường ngập nước
Nếu điều kiện cho phép, hãy chạy xe ở giữa làn đường, vì ở 2 bên đường thường trũng, lượng nước ngập nhiều hơn. Hãy tìm điểm cao nhất của mặt đường để đi dựa vào việc quan sát mực nước hoặc nhìn vào bánh các xe đi trước.
Không nên vượt quá giới hạn mà tầm nhìn cho phép. Khi đi trong khu vực ngập nước, hay giữ tốc độ động cơ cao để tránh nước lọt vào ống xả, khiến xe "chết máy". Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1, cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể.
Khi mức nước ngập nửa lốp xe - tức là đã đến giới hạn không nên vượt qua. Với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước tràn qua mũi xe vào cửa gió và động cơ.
Tránh tối đa thời điểm có xe đi ngược chiều và tìm điểm cao. Hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng hoặc hắt nước ngược lên capo xe, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ.
Không nên phóng xe tốc độ cao vào vùng ngập, vì như vậy rất dễ bị nước sục vào họng gió, cũng như tạo "sóng nước", nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.
Nếu xe chết máy trong vùng ngập
Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ, vì máy sẽ không thể khởi động lại được nữa, mà sẽ làm cong tay biên, vỡ thành máy... Nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.
Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào gây hư hỏng các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất như nỉ, da, gỗ...
Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra ngoài xe. Hãy nhớ lưu ít nhất một số điện thoại cứu hộ giao thông phòng khi cần thiết.
Ngay sau khi xe ô tô qua vùng ngập nước hoặc bị ngập nước thì phải làm ngay những việc cần thiết này để tránh thiệt hại lớn cho chiếc xe.