Trung bình mỗi tháng có đến hơn 20 vụ tai nạn liên quan đến tàu hoả. Riêng tháng 7/2019 có 27 vụ tai nạn đường sắt, trong đó có 20 người thiệt mạng, 23 người bị thương.
Nguyên nhân lớn nhất chắc chắn là do các tài xế xe ô tô bất cẩn, thiếu quan sát, coi thường tính mạng của mình và những người cùng ngồi trên xe. Họ thản nhiên băng qua đường sắt mà chẳng sợ cái đống sắt khổng lồ có đang lao tới hay không? Đoàn tàu chạy tạo ra âm thanh lớn, kích thước của nó cũng rất lớn, chưa kể còn có còi hụ, chỉ cần dừng xe, ngó trái - phải là có thể nhìn thấy có tàu đến hay không, vậy mà chỉ vì mong nhanh vài giây mà các tài xế tranh thủ lao qua. Hậu quả là tai nạn. Mà tai nạn giữa ô tô với tàu hoả thường rất nghiêm trọng.
Có lẽ cần phải áp dụng nguyên tắc DỪNG VÀ QUAN SÁT 3 GIÂY tại mỗi nút giao giữa đường bộ và đường sắt. Khi thấy biển STOP, dù có tàu hay không thì vẫn phải dừng xe, quan sát trái - phải trong 3 giây thì mới tiếp tục được đi. Cái này cũng có thể áp dụng cho các giao lộ đường bộ cùng mức không có đèn tín hiệu giao thông. Nếu tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ hạn chế được tai nạn.
Tuy nhiên, trong vấn đề này thì cũng có vai trò của các anh quản lý đô thị và an toàn đường sắt. Quy hoạch khu dân cư có quá nhiều đường cắt ngang đường sắt, ngoài ra còn để người dân tự ý mở đường ngang băng qua đường sắt. Thêm vào đó, tại nhiều điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt chưa có rào chắn, hệ thống đèn tín hiệu và nhân viên kiểm soát. Tất nhiên, lý tưởng nhất là tự động hoá hết mấy hệ thống này nhưng chi phí sẽ không hề nhỏ. Dù vậy mạng người còn giá trị hơn nhiều.
Song song với đó cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, loại bỏ thói quen tuỳ tiện và thiếu tuân thủ luật giao thông đường bộ. Chí ít thì cũng phải sợ chết vì những lý do không đáng.