Tất nhiên ai cũng biết, một trong những lý do lớn nhất khiến Mercedes được ăn “bánh” to là bởi Mercedes-Benz là thương hiệu xe sang duy nhất lắp ráp trong nước, hưởng ưu đãi thuế, phí, dẫn tới giá bán chấp tất các các đối thủ (chưa kể các lợi thế khác kéo theo sau như nguồn cung phong phú, phụ tùng, dịch vụ hậu mãi.v.v.).
Song, “bánh” chả ai dọn sẵn cho mà ăn.
Này nhé, 1 năm sau khi thành lập (1995), năm 1996 Mercedes mới lắp ráp chiếc xe đầu tiên tại Việt Nam. Tới năm 2005 (gần 10 năm sau) mới bán được 170 xe. Năm 2008 con số này là 1.000 xe. Và nay, tới tháng 11/2020, tức 25 năm sau khi "khởi nghiệp", Mercedes Việt Nam bán khoảng 40.000 xe.
Có nghĩa sau 25 năm, doanh số tính theo đầu xe bán tăng 235 lần. Tốc độ tăng trưởng được xếp vào loại hàng đầu thế giới.
Cùng thời Mercedes vào Việt Nam, thì BMW cũng lắp ráp ở Nhà máy ô tô Hoà Bình. Nhưng sau vài năm thì rút. Kết quả là gì thì ai cũng biết. Giờ BMW cạnh tranh trong nhóm "xe sang giảm giá khủng" (quá đau lòng!!!).
Không chỉ ở Việt Nam, mà việc đầu tư cho các nhà máy lắp ráp xe địa phương tại khu vực Đông Nam Á là một quyết định mạo hiểm, song cho thấy tầm nhìn chiến lược chính xác của ngôi sao nước Đức từ nhiều chục năm trước.
Mercedes là thương hiệu xe sang duy nhất hiện nay duy trì hệ thống các nhà máy lắp ráp xe địa phương tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam (BMW chỉ có 1, Audi không có, Lexus càng không). Sản phẩm tại các “local factory” này chủ yếu để bán thị trường nội địa (có mỗi nhà máy tại Malaysia vừa xuất sang thị trường Philippines model đầu tiên năm ngoái).
Quyết định này xuất phát từ việc Mercedes nhìn thấy dù "ASEAN là một" nhưng mà là "nhiều cái một khác nhau"- mỗi quốc gia ASEAN có chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô khác nhau, được điều phối bởi các chính sách thuế.
Cái này chả phải đoán già đoán non gì cả, trả lời hãng tin Làn sóng Đức (Deutsche Welle), "bố già" Udo Lörsch, CEO lâu năm ở Mercedes Việt Nam từng tiết lộ: “Chúng tôi chỉ làm (lắp ráp ô tô ở Việt Nam) vì thuế hải quan, vốn rất cao đối với ô tô thành phẩm”. Và nhờ thế Việt Nam cũng được tự hào là nơi lắp ráp chiếc S-Class đầu tiên trên thế giới ngoài nước Đức!
Kiên trì “nhào bột” 25 năm, lại còn nêm nếm đủ lúc vanila, khi chocolate, lâu lâu nhồi hạnh nhân, trang trí đủ kiểu..., lâu lâu buộc thêm cả bóng bay, làm gì chả được bánh to, em gái nào lên xe cũng thích.
Còn nữa, theo thông tin trên DW năm 2009, mức lương trung bình tại Mercedes Việt Nam là 180 đô la Mỹ một tháng. Nay tăng cả trăm lần theo doanh số thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên!
Nguồn: Nhà báo Thuỷ Phạm