Trước trong và sau các cơn bão, thường có mưa vừa đến mưa rất to. Nhiều tuyến đường sẽ nhanh chóng ngập do khả năng thoát nước kém.
Người dân Sài Gòn hiện vẫn đang quay cuồng với nước ngập sau khi Bão số 9 đổ bộ và gây mưa lớn.
Với các tài xế, cần nắm chắc mực nước thế nào thì xe không thể vượt qua, nếu không muốn chiếc ô tô bị thủy kích và thiệt hại vô cùng lớn.
Quan sát mực nước
Tài xế cần quan sát nhanh các phương tiện đi trước, lưu ý vào phần bánh xe là có thể ước lượng được mức nước sâu bao nhiêu.
Đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
Từ việc quan sát nhanh, tài xế có thể định lượng được mực nước trên đoạn đường ngập đó và đưa ra các cân nhắc với xe của mình, có nên vượt qua hay không.
Chỉ vượt qua đường ngập nước khi thấy mực nước sâu ở mức an toàn cho phép hoặc bắt buộc phải đi qua vùng ngập mà không còn phương án nào khác, như việc chọn các đường tránh khác.
Mực nước ngập sâu bao nhiêu là mức an toàn
Theo khuyến cáo của các hãng xe hàng đầu thế giới, mực nước an toàn là dưới 25 cm. Độ sâu này được ước lượng không vượt qua tâm bánh xe.
Với các dòng xe gầm cao như SUV hay một số xe chuyên dụng thì độ sâu mực nước an toàn trung bình là 35cm.
Nếu độ sâu mực nước vượt quá các giới hạn trên đây đối với từng loại xe, tài xế tuyệt đối không nên liều vượt qua.
Ngoài giới hạn về mực nước an toàn trên lý thuyết, thì các tài xế cũng cần tính toán thêm tình huống có xe đi cùng chiều và ngược chiều.
Mức độ tạo sóng khiến mực nước dâng cao hơn là khác nhau khi có xe đi cùng chiều hay ngược chiều trên đường ngập. Khi đó, mực nước an toàn sẽ giao động, mức nước tăng cao khá nhiều do hiện tượng tạo sóng khi có xe đi ngược chiều.
Hơn hết, nếu không nhất thiết phải mạo hiểm, tài xế nên quay đầu xe khi thấy đường phía trước đang ngập sâu.