Sau những năm tháng làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền mua chiếc xe yêu thích, hẳn là ai cũng mang cảm giác sung sướng, háo hức khi đón chiếc xe đầu tiên về nhà. Đối với bất kì ai đi chăng nữa, chiếc xe đầu tiên chắc chắn là chiếc xe có ý nghĩa quan trọng, xúc động và đáng nhớ nhất. Cũng vì vậy mà có rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi đều có chung nỗi băn khoăn về việc mua chiếc xe đầu đời như thế nào.
Để các bạn trẻ có được lựa chọn chính xác trong lần đầu mua xe, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm nhỏ sau:
1. Xác định số tiền/ ngân sách mua xe
Vấn đề đầu tiên khi quyết định mua xe là ''tiền đâu'' và ''bao nhiêu''. Từ việc xác định ngân sách mua xe, bạn sẽ xem xét các quyết định mua xe như:
- Mua xe mới hay xe cũ
- Trả hoàn toàn số tiền mua xe hay mua xe trả góp hay không
Từ việc xác định số tiền mua xe đầu tiên, bạn đã phần nào giới hạn được nhóm các dòng xe mà mình có thể mua được. Với những người xem xét yếu tốt mua xe trả góp thì cần tìm hiểu các vấn đề về lãi suất, thời gian Vay mua xe, Việc cân bằng các yếu tố giữ trả tiền gốc + lãi ngân hàng và chi tiêu cuộc sống hàng ngày
Ngoài ra số tiền mà các hãng xe công bố chưa bao gồm các loại thuế + phí để xe có thể lăn bánh trên đường được, mức chi phí ước tính giá thực tế để bạn mang xe về gara của mình sẽ tăng từ 2-3% với xe bán tải, xe Van và lên đến 10-13% đối với xe sedan, SUV, Hatchback...
2. Xác định nhu cầu sử dụng
Thông thường chúng ta hay nghĩ về những gì chúng ta muốn nhưng hãy nghĩ về những gì chúng ta thật sự cần cho một chiếc xe trong tương lai. Sau khi xác định được số tiền mua xe, bạn cần liệt kê những yêu cầu mình cần ở chiếc xe muốn mua và đây là một số lưu ý thiết thực cần lưu ý:
- Số người sử dụng xe
- Thường di chuyển trên cung đường như thế nào: đường cao tốc, đường phố hay offroad?
- Quãng đường thường xuyên đi lại hàng ngày, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sử dụng xe.
- Các tính năng an toàn tối thiểu.
- Kích thước và tải trọng hàng hóa thường hay chở.
- Kích thước nhà để xe.
Việc xem xét, tính toán các yếu tố giúp bạn lượt bỏ bớt danh sách những mẫu xe không phù hợp, tìm kiếm đúng dòng xe nằm trong tầm ngân sách, kiểu dáng phù hợp với các nhu cầu sử dụng của mình.
3. Chọn dòng xe phù hợp
Hiện nay, Thị trường ô tô có sự góp mặt của rất nhiều dòng xe khác nhau: Coupe, Sedan, Hatchback, Đa dụng (MPV), Thể thao việt dã (SUV), CUV (Crossover), Bán tải (pick-up), hybrid…. Từ việc xác định ngân sách mua xe và nhu cầu sử dụng, bạn sẽ giới hạn nhóm các dòng xe, kiểu dáng xe phù hợp với mình để xem xét.
Nếu bạn có nhiều hơn 2 hành khách và cần một chỗ ngồi thoải mái rộng rãi, có cốp riêng biệt và một chú sang trọng thì Sedan là một lựa chọn tuyệt vời.
Nếu bạn thích loại xe nhỏ nhưng, tiện dụng và dễ xoay sở khi đi lại trong phố thì dòng Hatchback là lựa chọn phù hợp.
Nếu bạn là người mạnh mẽ, thích khám phá và trải nghiệm những cung đường khó và thường xuyên chở đồ cồng kềnh, còn chần chừ gì mà không chọn xe bán tải.
Nếu bạn là một người cá tính, phóng khoáng và không ngại chi phí cao thì Coupe là dòng xe dành cho riêng bạn.
Sau khi lựa chọn, bạn có được danh sách một nhóm các mẫu xe mình quan tâm, bác có thể xem xét các thông tin chi tiết từng dòng xe, so sánh thông số, trang bị tiện nghi cũng như khả năng vận hành của xe để xác định tốt hơn.
4. Kiểm tra và chạy thử xe
Mua một chiếc xe mới rất đơn giản, bạn không cần kiểm tra quá nhiều vì vậy phần này tôi muốn dành cho những bạn trẻ muốn sắm cho mình một chiếc xe đã qua sử dụng. Với một chiếc ô tô cũ, bạn phải kiểm tra rất nhiều thứ, mỗi chiếc xe được chủ sở hữu trước sử dụng một cách khác nhau vì vậy rất khó để một "lính mới" như bạn có thể đánh giá chiếc xe đó được. Lời khuyên của tôi là hãy mời một người lớn tuổi, đáng tin cậy và hiểu rõ về xe hơi đi cùng, họ sẽ có thể đưa ra những nhận xét chính xác hơn bạn rất nhiều.
Thời gian tốt nhất để kiểm tra xe là ban ngày, hãy xem xét cẩn thận cả nội và ngoại thất xe. Tìm những hư hỏng, sai sót và kiểm tra xem nó có dễ dàng sửa chữa hay không. Về cơ bản, xe phải đảm bảo tình trạng như lời rao bán của chủ sở hữu trước.
Nếu không thể tìm ra một người thân hiểu rõ về xe hơi, bạn có thể thuê những chuyên gia về ô tô đi cùng. Bạn sẽ tốn một ít chi phí, nhưng đó là số tiền đáng bỏ ra.
5. Thương lượng giá cả
Nếu đã tìm được chiếc xe tốt cho mình, tiếp sau đó là thời gian để nói về những con số. Khi đàm phán mua xe, bạn cần phải có một người lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn để hỗ trợ bạn, người đó có thể là một thành viên trong gia đình.
Nếu mua xe từ một người bán tư nhân, chuyện thương lượng giá cả sẽ đơn giản hơn nhiều. Việc mua xe ở một công ty lớn, bạn sẽ phải gặp những chuyên viên bán hàng đã được đào tạo chuyên nghiệp, việc này sẽ có một chút rắc rối với những bạn trẻ và thiếu kinh nghiệm trong đàm phán. Vì vậy, hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia.
6. Những tính năng an toàn của xe
Dù bạn mua xe cũ hay mới, chiếc xe đó cũng cần phải có ít nhất một trong những tính năng an toàn cơ bản dưới đây:
- Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)
Giúp tài xế làm chủ được tay lái trong khi thắng gấp do bánh xe không bị khóa cứng. Bởi vì, nếu bánh xe bị khóa cứng trong lúc di chuyển, tài xế sẽ không còn điều khiển được tay lái, xe sẽ bị đẩy đi theo quán tính, khó có thể tránh khỏi tai nạn.
- Hệ thống ổn định xe điện tử (ESP, hoặc ESC, DSC, VSC)
ESP là thiết bị an toàn xử lý tình huống một cách chủ động, ESP ngày càng trở thành tính năng không thể thiếu trên các dòng xe con và xe việt dã đời mới. Hệ thống này bao gồm các thiết bị cảm ứng có chức năng giám sát các yêu cầu của người điều khiển từ tay lái và so sánh chúng với thực tế hoạt động của xe trên hành trình.
Nếu 2 nguồn dữ liệu này mâu thuẫn với nhau, có nghĩa đang tiềm ẩn một nguy cơ xảy ra tai nạn và cần xử lý kịp thời. Khi đó, ESP sẽ can thiệp bằng cách áp phanh vào một hoặc nhiều bánh, nhằm giúp xe tránh tình trạng trơn trượt hoặc thậm chí lật xe. Nói không ngoa, ESP chính là “thiên thần bảo hộ” của các tài xế trên hành trình. Đây là một trang bị tiêu chuẩn "bắt buộc" trên các loại xe ô tô ở thị trường nước ngoài, trong khi ở Việt Nam thì chỉ có ở những mẫu xe cao cấp...
- Hệ thống túi khí
Túi tự động bơm đầy khí khi có tai nạn xảy ra nhằm giảm thiểu mức độ chấn thương của người ngồi trong xe. Cụ thể là, túi khí an toàn phía trước được trang bị trên các xe ô tô nhằm: giảm thiểu các rủi ro tai nạn liên quan đến con người, giảm các chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách ngồi kế bên khi xe bị va chạm từ phía trước.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho các bạn trẻ và tất cả những người đam mê ô tô.