Vào những ngày trời rét, khi đi đường xa, trẻ thường được mặc rất nhiều quần áo, thậm chí còn trùm thêm chăn, khoác áo mưa, ngoài ra còn có mũ, khẩu trang, khăn trùm... Trẻ thường được đặt ngồi giữa, mẹ ở sau ôm chặt con, áp sát vào người cầm lái cho ấm, do đó em bé rất dễ ngạt thở.
Trẻ nhỏ khi ngạt không vùng vẫy được mạnh, lại ngăn cách với người lớn qua nhiều lớp áo nên bố mẹ có thể không nhận ra biểu hiện bất thường của con. Nhiều người không nghĩ đến nguy cơ này nên thấy con ngọ nguậy lại cố ôm cho chặt hơn.
Trường hợp trẻ ngồi trước, khả năng chết cóng cao hơn, nhưng nguy cơ chết ngạt vẫn rất lớn vì gió mạnh (nhất là khi xe chạy tốc độ cao trên đường trống) thốc vào mặt cũng khiến trẻ ngộp thở; hoặc khăn, khẩu trang bị gió thổi áp sát vào mũi, ngăn cản hô hấp. Trẻ bị ngạt nhưng vì lạnh cóng nên cũng khó có phản ứng để bố mẹ nhận ra.
Làm gì khi chở trẻ trời rét?
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Nhi, trong những ngày rét đậm, tốt nhất là không cho trẻ ra đường, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Nếu phải đi đâu, nên sử dụng hoặc thuê xe ôtô.
Chỉ cho trẻ đi xe máy nếu quãng đường ngắn. Trong trường hợp này, khả năng tử vong trên xe rất hiếm nhưng trẻ vẫn dễ bị ốm. Để giảm nguy cơ này, cha mẹ cần mặc thật ấm cho con, đội mũ, đeo kính, khẩu trang, găng tay đầy đủ. Lưu ý mặc quần dày và kín cho trẻ. Nhiều phụ huynh mặc cho con thật nhiều áo mà lại sơ ý để phần dưới phong phanh, khiến trẻ bị ngộp trong khi vẫn thấy lạnh.
Không nên cho trẻ ngồi trước xe máy. Dọc đường đi, cha mẹ nên chú ý xem con có thở được dễ dàng không, theo dõi các phản ứng của trẻ.
Với trường hợp bất khả kháng như trẻ bị bệnh, phải cấp cứu thì phải giữ đủ ấm cho trẻ. Nếu buộc phải đi bằng xe máy trên những quãng đường xa thì nên cho trẻ ngồi giữa quay mặt ngược lại với hướng gió, tuy nhiên cũng phải giữ cho đường hô hấp của trẻ được lưu thông bằng cách liên tục để ý, tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở.