Vậy phải làm sao để đối phó với những tình huống như thế này?
1. Chuẩn bị áo mưa phù hợp
Khi trời mưa dù to hay nhỏ, người tham gia giao thông nên mặc áo mưa. Nhưng có một số loại áo mưa lại là một trong những nguyên nhân gây cản trở tầm nhìn và trực tiếp gây tai nạn. Tốt nhất là người lái xe nên mặc áo mưa rời (hay còn gọi là áo mưa bộ) giúp điều khiển xe dễ dàng và quan trọng nhất là tầm quan sát không bị hạn chế.
2. Lưu ý tư thế ngồi
Tư thế ngồi cũng rất quan trọng khi điều khiển xe máy. Do phản xạ khi gặp trời mưa, nhiều người thường hay co chân lên cao để tránh cho khỏi bị bắn làm bẩn giầy dép. Tuy nhiên, chính tư thế ngồi này rất không an toàn vì khiến người lái thăng bằng kém và đồng thời khi gặp tình huống bất ngờ sẽ không kịp đưa chân xuống chống chân hoặc phanh xe với xe số.
3. Giữ khoảng cách với các phương tiện khác
Trời mưa phùn nên đường rất trơn, dễ xảy ra các tình huống va chạm, ngã xe nên việc giữ khoảng cách an toàn giúp bạn dễ dàng xử lý các tình huống bất ngờ hơn. Ngoài ra, khoảng cách phanh cho đến khi xe dừng hẳn sẽ tăng lên mà người lái không căn được, vì vậy người lái nên phanh xe sớm hơn khi dừng đèn đỏ, nhường đường,... Phanh sớm sẽ giúp tránh những pha phanh gấp và tránh bị trượt bánh.
4. Không dừng đỗ trên cầu hay đầu hầm
Ngoài ra, chỗ bạn dừng lại để mặc áo mưa phải là vị trí an toàn, và trong bất kì trường hợp nào cũng không được dừng đỗ trên cầu hoặc ngay đầu các hầm chui vì sẽ làm ách tắt giao thông nghiêm trọng, dễ gây tai nạn cho người đang tăng tốc lên cầu. Đây cũng là những quy định cơ bản trong luật giao thông, ngay cả khi trời không mưa thì bạn cũng không được quyền dừng đỗ trên cầu hay trong hầm chui.
Theo điểm đ, khoản 3, điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Đối với môtô, xe máy, các loại xe tương tự môtô và xe máy vi phạm "Dừng, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông" sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Riêng đối với hành vi "Dừng, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định" (điểm e, khoản 5, điều 6), mức phạt lên tới 500.000-1.000.000 đồng.
5. Đi đường ngập về phải mang xe đi bảo dưỡng
Xe của bạn có thể bị ướt một số bộ phận sau khi bạn lái xe qua vũng nước sâu ngay cả khi bạn "thoát nạn" và không bị chết máy. Xe máy của bạn có thể bị ảnh hưởng vì điều này mà bạn không biết, vì thế mà bạn cần mang xe đi bảo dưỡng để phát hiện và sữa chữa kịp thời nếu xe bị hỏng hóc bộ phận nào đó.