Kể từ khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực đầu năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam đẵ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mảng xe nhập khẩu. Thực vậy, trong nửa đầu năm 2018, các hãng có xe nhập khẩu "ăn khách" như Toyota hay Ford đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc không có xe để bán cũng kéo doanh số toàn thị trường đi xuống. Mặc dù nhu cầu với các mẫu xe như Toyota Fortuner hay Ford Ranger vẫn rất cao, nhưng do khan hàng, người chịu thiệt thòi vẫn là khách hàng khi lại phải "mua bia kèm lạc" (mua xe bị yêu cầu mua thêm phụ kiện).
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, toàn thị trường tiêu thụ được hơn 19.000 xe nhập khẩu, giảm một nửa so với cùng kì nằm ngoái. Trong đó, hầu hết các tháng đều có doanh số giảm so với cùng kì 2017 do lượng xe nhập khẩu giảm mạnh. Cùng với đó, lượng ô tô nhập khẩu chỉ đạt 11.273 xe các loại, giảm tới gần 70% về lượng và gần 60% về kim ngạch.
Tuy nhiên, nửa sau của năm 2018, thị trường ô tô nhập khẩu dự báo sẽ rất sôi động khi các hãng xe đang dần hoàn tất thủ tục nhập khẩu và kiểm định theo Nghị định 116 của Chính phủ. Lần lượt, các mẫu xe nhập khẩu đã và đang trở lại thị trường Việt Nam.
Cho tới cuối tháng 6, vẫn chỉ có Honda Việt Nam và GM Việt Nam đủ điều kiện nhập được xe về và đã phân phối tại các đại lý. Hiện tại, Toyota Việt Nam đã công bố sự trở lại của 3 mẫu xe Fortuner, Hilux và Hiace trong tháng 8 tới.
Cùng với đó, Nissan Việt Nam cũng đang hoàn tất thủ tục kiểm định cho mẫu bán tải Navara để mẫu xe này có thể về các đại lí sớm nhất trong tháng 7 này. Được biết, Ford Ranger cũng đang trên đường về Việt Nam và sẽ cập bến vào cuối tháng 7 này.
Đây sẽ là mẫu Ranger nhập dành cho thị trường Philippines với nhiều trang bị sẽ bị cắt giảm so với phiên bản trước. Bên cạnh đó, các hãng xe cũng rục rịch ra mắt những mẫu xe nhập khẩu mới trong nửa cuối năm 2018.
Trong khi Honda HR-V đã chốt thời gian ra mắt và có giá bán dự kiến thì mẫu xe chủ lực của Ford là Ranger Raptor được cho là sẽ về trong cuối năm nay. Một mẫu xe khác là Mitsubishi Xpander cũng đang hoàn thành nốt các thủ tục kiểm định trước khi chính thức ra mắt vào tháng 9 - 10.
Dù vậy, lượng xe nhập khẩu được dự đoán sẽ mang tính chất nhỏ giọt chứ không ồ ạt như thời điểm trước Nghị định 116 nữa. Bộ Công Thương cho biết, kiểm soát lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho lắp ráp trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Ngoài ra, Bộ Tài Chính cũng đang dự thảo điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, qua đó tăng nhu cầu xe lắp ráp trong nước, góp phần làm thị trường ô tô trong nước ổn định và có sức cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ cũng đang nghiên cứu mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho các mẫu xe có tỉ lệ nội địa hóa cao, góp phần giúp giá ô tô lắp ráp trong nước giảm.
Bộ này nhận định: “Đây là những tín hiệu tốt cho việc tăng lương ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới”.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cho biết, sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Vì vậy, thị trường ô tô Việt Nam thời gian tới vẫn phải dựa vào những nhà sản xuất và phân phối ô tô như Hyundai Thành Công, Thaco hay Toyota Việt Nam với những mẫu xe lắp ráp trong nước.