Cấu tạo và nguyên lý hoạt động
Cấu tạo, tiêu chuẩn và nguyên lý hoạt động của phanh đĩa phức tạp hơn loại phanh cơ của xe máy. Các bộ phận chính của hệ thống gồm đĩa phanh, piston chính và piston con, má phanh, ống dẫn dầu, tay phanh và khay chứa dầu có vạch báo lượng dầu.
Bộ phanh đĩa có nguyên lý hoạt động khép kín giữa các bộ phận này với nhau. Nó dùng lực nén của dầu từ khay dầu, qua ống dẫn xuống piston để tác động vào má phanh, tác động trực tiếp lên đĩa phanh.
Phanh đĩa có độ bám tốt hơn nhiều so với phanh cơ bởi lực tác động của má phanh thẳng góc lên bề mặt đĩa. Do vậy, tất cả các chi tiết khác của phanh đĩa cũng phải có độ chính xác và độ bền cao: Dầu phanh là loại dầu chuyên dụng, không dùng chung với bất cứ một loại dầu nào khác; piston được tráng xi mạ trên bề mặt; phớt dầu làm bằng cao su đặc biệt, không dò gỉ và hở dầu; đĩa phanh cấu tạo bằng thép; má phanh không có tạp chất và chịu được lực mạnh.
Quá trình khi sử dụng phanh sẽ biến đổi từ động năng thành nhiệt năng, qua đó kết hợp với ga giảm tốc độ xe.
Ngoài ra, phanh đĩa tạo lực phanh lớn nhờ ma sát của má phanh và đĩa phanh thông qua lực dẫn động của dầu phanh. Lực phanh được dẫn động từ tay phanh đến dầu phanh và tiếp đến là piston đẩy má phanh ép vào đĩa.
Kinh nghiệm sử dụng phanh đĩa xe máy an toàn
Khi sử dụng phanh đĩa, người lái nên “nằm lòng” nguyên tắc “Phanh sau trước, phanh trước sau”. Khi bóp phanh sau trước sẽ giúp xe giảm tốc độ đáng kể, sau đó mới dùng phanh đĩa ở bánh trước xe sẽ dừng mà không bị đột ngột giúp an toàn cho người lái xe.
Khi bóp phanh trước không dùng hết lực để bóp cứng phanh lại mà chỉ dùng 2 ngón tay để tác động một lực vừa đủ để phanh không bị bó cứng (xe không có hệ thống ABS). Đồng thời, bóp phanh theo kiểu nhấn, nhả tay để không bị bó cứng giúp xe an toàn.
Bất kể là phanh đĩa hay phanh cơ, việc phối hợp nhịp nhàng giữa phanh trước và phanh sau là hết sức cần thiết. Những người đi xe kinh nghiệm khuyên rằng, nên nhấn phanh sau trước khi bóp phanh trước để tránh bị lộn xe do đà quán tính.
Với phanh đĩa, không nên bóp chặt hết quãng đường của tay phanh một cách đột ngột. Nhấp phanh nhẹ theo kiểu bóp, nhả. Tuyệt đối không bóp phanh trước khi vào cua, khi đó, bánh trước bị khựng lại, tay lái nghiêng, xe dễ bị trượt, đổ.
Khi đi dưới trời mưa, hạn chế sử dụng phanh đĩa phía trước để bánh không bị trượt trên những con đường trơn. Tốt nhất là nên đi tốc độ chậm và sử dụng phanh sau. Điều đó vừa giúp người lái an toàn vừa tăng tuổi thọ cho hệ thống phanh đĩa, tránh bụi, cát ăn mòn má và đĩa phanh.
Trang bị cho mình những kiến thức trên sẽ giúp bạn an toàn trên mọi hành trình.