1. Đặt tên xe theo dung tích xi lanh
Do những khó khăn trong cách đặt tên, nên BMW và Mercedes-Benz đã sớm khôn ngoan chọn mã dung tích xi lanh để gọi các sản phẩm của mình.
Các dòng xe của BMW
Serie 5 là mẫu xe BMW đầu tiên đánh tên theo dung tích xi lanh vào năm 1972. Nếu một chiếc xe mang tên 525 có nghĩa nó thuộc serie 5 và có dung tích 2.5 lít.
Sau này, khi BMW trang bị cả máy dầu và máy xăng thì sau mỗi tên xe còn có chữ "d" chỉ xe chạy dầu và chữ "i" chỉ xe chạy xăng. Còn chữ "L" trong series 7 có độ dài lớn để chỉ từ "long wheelbase - trục cơ sở dài".
Các dòng xe của Mercedes-Benz
Các sản phẩm của Mercedes-Benz cũng tương tự như BMW, tuy có một chút khác biệt. Dòng A-class, C-class của Mercedes-Benz liên quan tới cách phân hạng xe châu Âu, nhưng chúng bắt nguồn từ sự ra đời của dòng E-class.
Năm 1986, sau hàng loạt tên, Mercedes quyết định đặt dòng xe mang mã số W124 là E-class và chữ "E" được lấy từ thuật ngữ "Einspritz" trong tiếng Đức, có nghĩa là "phun xăng". E-class là sản phẩm đầu tiên của Mercedes sử dụng công nghệ phun xăng cho động cơ 6 xi lanh.
Khi mới ra đời, các xe trong E-class có chữ E đứng sau mã số dung tích chứ không đứng trước như hiện nay. Đến năm 1994, khi giới thiệu C-class, Mercedes mới đưa chúng lên đầu. Vì vậy, một chiếc xe 300E có nghĩa nó thuộc dòng E-class và đời trước 1994.
Sau E-class, dòng xe ở phân hạng thấp hơn được ký hiệu theo bảng chữ cái như C-class năm 1994 và A-class năm 1997. Còn sản phẩm cao cấp có ký hiệu "SEL", "SEC", "SE" trước đó chuyển thành S-class vào năm 1994.
Khởi đầu, Mercedes cũng lấy dung tích xi lanh để đánh số cho các sản phẩm của mình. Nhưng sau đó, do thay đổi động cơ và các nguyên nhân khác mà số trên tên không trùng với dung tích máy. Ví như C240 có dung tích là 2.6 lít thay vì 2.4 lít.
2. Đặt tên xe kiểu "ăn theo"
Hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen lấy từ "Touareg" chỉ bộ tộc cư trú tại vùng phụ cận sa mạc Sahara để đặt cho chiếc thể thao đa dụng. Chỉ sau một năm, nếu lên Google tìm từ "Touareg", tất cả định nghĩa về những người du mục này bị thay thế bằng mẫu xe của Volkswagen.
Hyundai, hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, cũng có cách đặt tên tương tự như Tucson (thành phố của bang Arizona, Mỹ) hay Tiburon (một thị trấn của California, Mỹ).
3. Đặt tên xe với những chữ "X" bí hiểm
Acura, mác xe sang độc lập của Honda tại Bắc Mỹ từng có những cái tên đẹp như Integra (hoàn hảo), Legend (huyền thoại), Vigor (mạnh mẽ). Nhưng sau này, Acura hay thêm chữ "X" như MDX, TSX, RSX.
Xu hướng thêm hậu tố "X" cũng phổ biến ở Infiniti. Hãng xe sang của Nissan tại Mỹ thường dùng số để chỉ dung tích như "35", "45" và các chữ cái G, M, Q, QX hay FX.
Không ai biết tại sao Infiniti lại dùng những chữ cái này để đặt tên cho sản phẩm của mình. Một giả thuyết đặt ra là do lúc đó không còn chữ cái nào khả dĩ nên Infiniti đành lấy những chữ chưa được sử dụng.
4. Đặt tên xe kiểu "copy"
Cho dù "cuộc" chiến tên xe làm hầu hết các hãng xe đau đầu thì thỉnh thoảng cũng có những vụ copy "hợp lý" như trường hợp hậu tố "lander".
Chữ "Lander" lần đầu tiên được sử dụng trên mẫu xe Land Rover Freelander. Sau đó là Outlander của Mitsubishi, Uplander của Chevrolet hay Highlander của Toyota. Chắc hẳn, ngoài các tiền tố đó sẽ không còn mẫu xe nào mang hậu tố "lander" nữa.
5. Đặt tên xe theo chữ cái đầu của công ty
Nếu tính tới xu hướng lấy chữ cái đầu công ty thì không thể không kể tới Ford Motor.
Hãng xe lớn thứ hai nước Mỹ có những sản phẩm bắt đầu bằng chữ "F" như: Fairlane, Falcon, Fiesta, Five Hundred, Freestar, Freestyle, Frontenac, Fusion và Focus - mẫu xe thành công của Ford ở châu Âu và bán ở Việt Nam tháng 10/2005.
Mỗi cái tên thể hiện hình ảnh, ý nghĩa khác nhau về công ty, về sản phẩm. Nó mang tính thống nhất lâu dài trong chiến lược kinh doanh. Thế nên, cách đặt tên xe của các Hãng luôn ẩn chứa những câu chuyện, sự thú vị và óc sáng tạo.