Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2019, toàn thị trường chỉ tiêu thụ được hơn 21.000 xe, giảm tới 35% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó bao gồm 14.362 xe du lịch, 6.079 xe thương mại và chỉ có 580 xe chuyên dụng, tương ứng với doanh số xe du lịch giảm 36%, xe thương mại giảm 32% và xe chuyên dụng giảm 33% so với tháng trước. Đây là tháng hiếm hoi cả 3 dòng xe đều sụt giảm mạnh về doanh số.
Cùng với đó, sản lượng ô tô lắp ráp và nhập khẩu cũng giảm đáng kể khi lượng xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 14.047 xe, giảm gần 30% và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.947 xe, giảm 44% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 11% trong khi xe nhập khẩu tăng 202% so với cùng kì năm ngoái.
Thực tế, dù giảm so với tháng trước, nhưng doanh số bán hàng của thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái với lượng ô tô du lịch tăng 38%, xe thương mại giảm 1% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kì năm ngoái.
Thị trường đi xuống cũng kéo theo doanh số của từng xe giảm khi mẫu xe bán chạy nhất là Grand i10 chỉ đạt 1.448 xe và Accent bám sát với 1.427 xe. Riêng mẫu Vios chỉ bán được 1.115 xe trong khi tháng trước bán được tới hơn 3.000 xe.
Ngoài ra, các mẫu xe như Toyota Innova hay Toyota Fortuner cũng quay trở lại top 10 xe bán chạy sau nhiều tháng vắng bóng cũng như sự biến mất của Mitsubishi Xpander và Honda CR-V sau những tháng bùng nổ doanh số. Thực tế, doanh số của Xpander và Honda CR-V cũng lần lượt là 609 và 648 xe, vẫn ở mức chấp nhận được với những mẫu xe nhập khẩu.
Về phần mình, các mẫu xe bán tải có doanh số gỉam mạnh kể từ khi tăng thuế trước bạ từ ngày 10/4. Ford Ranger vẫn là mẫu xe bán tải ăn khách nhất với chỉ 438 xe, trong khi các mẫu xe còn lại chỉ doanh số khoảng hơn 100 xe.