Từ nông sản đến ô tô
Thành lập từ năm 1810, Peugeot ban đầu kinh doanh các loại nông sản như cà phê, hạt tiêu và muối với nhiều nhà máy sản xuất. Sau một thời gian, hãng trở thành một "ông lớn" tại nước Pháp, và họ muốn chuyển hướng phát triển loại hình kinh doanh mới.
Armand Peugeot đã giới thiệu các loại xe đạp vào năm 1882. Xe đạp thương hiệu Peugeot vẫn tiếp tục được sản xuất cho đến bây giờ.
Năm 1888, sau cuộc gặp gỡ với Gottlieb Daimler, Peugeot đã bị thuyết phục về khả năng bùng nổ ngành công nghiệp ô tô. Ông quyết định bắt tay vào sản xuất mẫu xe đầu tiên.
Chiếc xe Peugeot đầu tiên, một chiếc xe ba bánh chạy bằng động cơ hơi nước đã được sản xuất vào năm 1889 nhưng chỉ có bốn chiếc được sản xuất.
Năm 1890, Peugeot bỏ lại đông cơ hơi nước vì sự nặng nề và cồng kềnh, thay vào đó là một chiếc xe bốn bánh với một động cơ đốt trong bằng xăng được sản xuất. Nó được sản xuất dựa trên giấy phép của Daimler.
29 xe được sản xuất vào năm 1892 và đến năm 1899, 300 chiếc được chế tạo. Peugeot trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên sử dụng lốp cao su cho một chiếc xe hơi.
Peugeot thành lập công ty ô tô
Armand Peugeot thành lập công ty ô tô riêng Peugeot Automobile vào năm 1896 ở Lille. Ông tập trung vào sản xuất xe du lịch và xe tải, trong khi đó việc sản xuất dòng xe cỡ nhỏ được dành cho cháu trai là Pierre, Robert, và Jules ở công ty gia đình (Les fils de Peugeot frères).
Peugeot Type 14 xuất hiện vào mùa hè năm 1896 là mẫu xe đầu tiên sử dụng động cơ 2 xi-lanh nằm ngang của Michaux. Vì thế mẫu động cơ của Daimler không còn được Peugeot sử dụng nữa.
Năm 1901, Type 36 - mẫu xe ngựa 2 bánh Convertible 3 chỗ và 4 chỗ sử dụng động cơ 1 xi-lanh thẳng mới ra đời. Đây là chiếc xe Peugeot đầu tiên có mui. Nó đã đưa Peugeot trở thành nhà sản xuất xe hơi có phong cách riêng và thoát ra khỏi hình ảnh bảo thủ vốn có.
Trong cuộc Thế chiến thứ 2, giống như tất cả các hãng xe hơi vào thời đó, việc sản xuất xe của Peugeot bị dừng lại. Hãng xe Pháp buộc phải sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh. Peugeot có thời gian trở lại giữa thời kỳ này bằng cách ra mắt 2 mẫu xe 201 và 202 nhưng không có nhiều ấn tượng.
Cho đến năm 1948, Peugeot ghi dấu ấn bằng việc bắt tay với công ty thiết kế ôtô nổi tiếng của Ý Pininfarina. Thành công của những mẫu xe do Pininfarina thiết kế đã thúc đẩy Peugeot mở rộng sang thị trường Mỹ vào năm 1958. Vào thời điểm này, Peugeot có mối hợp tác với nhiều nhà sản xuất khác như Renault (năm 1966) và Volvo (năm 1972).
Sự trở lại ấn tượng của Peugeot
Năm 1974, Peugeot mua lại 30% cổ phần của Citroën và sau đó nắm quyền kiểm soát trong vòng 2 năm đồng thời đổi tên công ty thành PSA (Peugeot Societe Anonyme). Dựa trên mối liên minh này, Peugeot và Citroën có thể chia sẻ về mặt công nghệ kỹ thuật song vẫn giữ tính độc lập trong thiết kế.
Tập đoàn PSA tiếp tục mở rộng bằng việc mua lại phân nhánh tại châu Âu của Chrysler vào năm 1978. Tuy nhiên, thương vụ này không đem lại hiệu quả do phần lớn cơ sở vật chất và máy móc của phân nhánh này đã cũ.
Trong giai đoạn cuối những năm 90 và đầu 2000, Peugeot mắc phải một số sai lầm trong vấn đề điều hành chung công ty, khiến hãng phải cắt giảm nhân công và các nhà máy.
Gần đây, Peugeot đã trở lại với bộ đôi dòng xe 3008 và 5008, hai dòng xe này đã liên tiếp tạo được kỷ lục về doanh số tại các thị trường châu Âu, châu Á và đạt nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.
Tại Việt Nam, Peugeot đánh dấu sự trở lại bằng việc ký kết hợp tác với Thaco, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với dòng xe du lịch sang trọng này cho người dùng Việt.