Xưa xửa xừa xưa, từ trước những thập niên 50 người ta vẫn cho rằng xe càng cứng thì càng an toàn, tuy nhiên, nghiên cứu thực tế chỉ ra rằng khi xảy ra tai nạn thì nhiều chấn thương cho người lái và hành khách lái lại có nguyên do từ lực va chạm từ bên ngoài "truyền" qua khung xe cứng chắc, gây tổn thương nghiêm trọng.
Vì thế, bắt đầu từ năm 1959, Mercedes-Benz lần đầu tiên thử nghiệm vùng hấp thụ xung lực (VHTXL) lên mẫu xe W111. Vậy VHTXL là gì? Và tại sao nó là 1 trong số 10 công nghệ ô tô an toàn quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô.
Vùng hấp thụ xung lực là gì?
Nói một cách đơn giản thì VHTXL là một kết cấu khung thép được lắp đặt ở đầu và đuôi xe, khung thép này có thiết kế mềm hơn các vùng khác, mục đích là khi có va chạm trực diện mạnh thì chúng sẽ là nơi hấp thụ lực va chạm và bị bóp méo, uốn cong, co rụm, chuyển hướng lực tác động tránh xa khỏi khung cabin chứa lái xe và hành khách.
Ngược lại, cánh cửa và khung cabin hành khách lại có thiết kế siêu cứng, có các thanh thép cứng có độ dày cao, thanh giằng gia cố... với mục đích tránh biến dạng khi có va chạm.
Vùng hấp thụ xung lực hoạt động như thế nào?
Khi có va chạm, chúng biến dạng, co rụm lại giúp kéo dài thời gian "truyền" va chạm nhằm giảm thiểu chấn thương tức thời cho hành khách, trong các kết quả thử nghiệm cho thấy với cùng 1 lực nhưng tăng thời gian va chạm từ 0,2s - 0,8s sẽ làm tổng lực tác động lên cơ thể giảm xuống 85%, túi khí và giây an toàn cũng có tác dụng kéo dài thời gian va chạm.
Tương tự như khi hai bạn đi xe máy với cùng 1 vận tốc mà 1 bạn đâm vào bờ rào gỗ hay lưới B40 thì hầu như không bị chấn thương nghiêm trọng còn bạn đâm vào cục bê tông hay tường cứng thì chết chắc.
Thế còn khối động cơ thì sao? Mercedes lắp động cơ ở vị trí thấp nhất trong khoang máy để trong trường hợp xảy ra va chạm thì toàn bộ khối động cơ sẽ rơi xuống thay vì dồn lực quán tính vào khoang cabin. Các bộ phận khác trong khoang máy cũng được tính toán để "vỡ vụn" khi có va chạm, mục đích cuối cùng cũng chỉ là để hấp thụ lực va chạm.
Hãng Volvo còn đi xa hơn với việc nghiên cứu ghế ngồi có khả năng hấp thụ lực va chạm bằng cách trượt trên thanh ray bởi piston hấp thụ.
Cần hiểu rõ để có cái nhìn đúng
Người Việt mình mới có ô tô và vẫn coi ô tô như là 1 tài sản quý giá, như một món đồ trang sức. Khi nhìn vào các vụ tai nạn xe hơi, người Việt thường có cách nhìn theo kiểu: Ui trời, xe tốt quá đâm thế kia mà chỉ móp nhẹ. Ui trời, tai nạn ghê quá, xe kia “đểu” quá nát bét cả rồi kia kìa chỉ có vứt đi thôi...
Có nghĩa là đang lôi độ cứng, độ lành lặn khi có tai nạn của xe ra để đánh giá xe tốt xe kém.
Lối suy nghĩ đó cần phải được thay đổi một cách nhân văn hơn, chiếc xe, cuối cùng cũng chỉ là phương tiện, nó cần phải bảo vệ con người nhiều hơn, không chỉ là người đang ngồi trên chiếc xe mà cả những người không ngồi trên xe đó, tức là hậu quả khi mà chiếc xe đó đâm vào người khác, phương tiện khác.
Một chiếc xe có "mềm hóa" bởi VHTXL đồng thời cũng sẽ giảm thiểu lực tác động nguy hiểm cho con người và phương tiện khác khi gây ra tai nạn.
Chiếc xe hiện đại, có độ an toàn cao ngày nay sẽ biến dạng, đèn đóm, cản xe vỡ nát, đầu xe lõm tịt tụt hẳn vào tới tận gần cabin, khung gầm méo mó, động cơ, két nước, văng bánh, quạt làm mát... văng tung tóe ra... Trông thì rất thảm khốc đấy, nhưng nó đã làm tốt nhiệm vụ là "tấm nệm" của mình, đó là hấp thu va chạm giảm lực tác động lên khung cabin và người ngồi trong xe.
Vậy, nếu các bạn thấy chiếc xe gây tai nạn vỡ nát, trông rất kinh khủng thì cũng chớ vội đánh giá chiếc xe đó tồi mà cần quan tâm xem lái xe và hành khách có an toàn không.
Nguồn: Phương Nguyễn