Một trong những tính năng an toàn quan trọng bậc nhất trên xe ô tô chính là chiếc đai an toàn. Nếu bạn không thắt đai an toàn thì khi xảy ra tai nạn ở tốc độ cao sẽ rất dễ mất mạng dù cho túi khí có bung hay khung xe có cứng hay không.
Đai an toàn 3 điểm hiện đang dùng trên hầu hết tất cả những chiếc xe ô tô là phát minh của Nils Bohlin, một kỹ sư làm việc cho hãng Volvo, Thuỵ Điển từ năm 1959, cách đây đúng 60 năm.
Kể từ khi ra đời đến nay, dây đai an toàn 3 điểm đã cứu mạng hàng triệu người trên khắp thế giới và nó đã trở thành trang bị an toàn bắt buộc trên các mẫu xe hơi hiện đại. Ngoài ra, một số hãng còn làm cho hệ thống dây đai an toàn 3 điểm trở nên tân tiến hơn, thêm các công nghệ bảo vệ hành khách, với mục đích cuối cùng là giúp cho hành khách giữ được tính mạng khi xảy ra tai nạn.
Mục đích chính của dây đai an toàn là giữ người ngồi bên trong xe không bị lao về phía trước khi xe dừng đột ngột như phanh gấp hay có tai nạn trực diện. Ví dụ xe đang chạy với tốc độ 50 km/h mà va chạm bất ngờ, mọi vật bên trong xe sẽ chuyển động theo vận tốc riêng của nó, kể cả con người.
Tài xế sẽ có nguy cơ đập phần ngực vào vô-lăng và gây ra các tổn thương cho phần nội tạng, rất dễ mất mạng. Người ngồi bên phụ nếu không có dây đai an toàn có thể bị văng về phía trước, va đập vào kính lái. Nếu tốc độ quá nhanh thậm chí có thể gây vỡ kính lái và văng ra ngoài.
Theo tính toán của các kỹ sư tại Volvo thì nếu một người có cân nặng khoảng 77kg thì khi xe di chuyển với vận tốc 40 km/h mà gặp tai nạn trực diện thì cơ thể sẽ phải chịu một lực tác động khoảng 2.695 kg lên người. Còn nếu xe chạy với vận tốc 55 km/h thì lực tác động lên tới 3.465 kg. Những con số này sẽ cho thấy mức độ nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn mà không đeo dây an toàn. Chết người như chơi!
Không tự dưng mà hầu hết các nước trên thế giới đều bắt buộc phải đeo dây đai an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kể cả với người ngồi sau. Nếu không đeo thì sẽ bị phạt tiền. Nhưng cái mục đích cuối cùng của việc bắt buộc đeo dây an toàn chính là giữ mạng sống cho người ngồi trên xe. Vì thế, đeo hay là chết?!?
Nguồn: Lê Vương Thịnh