Tôi đọc thấy nhiều người thường chê chi phí nuôi xe sang quá cao và dòng xe này không giữ giá sau khi bán lại. Theo tôi thực ra, chi phí nuôi xe cũng không quá cao so với nhứng giá trị mà mình nhận lại.
Tôi đi một mẫu xe sang của Đức, ở từng mốc như 8.000 km - 16.000 km - 24.000 km - 32.000 km sẽ phải thay dầu với mức phí khoảng 3,8 triệu đến 4 triệu cho một lần. Trong khi đó, xe phổ thông Nhật cứ 5.000 km phải thay dầu một lần.
Tính theo km sử dụng của hai xe thì giá chi phí thay dầu là tương đương. Ngoài ra, đến mốc 40.000 km thì sẽ phải kiểm tra lọc động cơ, dây curoa, lọc máy lạnh; nếu cần thay thì mới phải thay, khoảng 50.000 km thì sẽ phải xem nhớt hộp số để coi có cần thay hay không.
Khác với sự đơn giản của xe phổ thông, mỗi chiếc xe sang được tạo nên từ hơn 30.000 chi tiết khác nhau cùng hàng loạt công nghệ tối tân nhằm mang đến sự tiện nghi, an toàn cao nhất cho chủ sở hữu. Do đó, xe sang cần được chăm sóc bởi hệ thống trang thiết bị chuyên nghiệp và những chuyên viên kỹ thuật được đào tạo chính hãng nên chi phí bảo dưỡng cao là hoàn toàn hợp lý.
Hơn nữa, xe sang hướng đến trải nghiệm hài lòng ở mức cao nên khuyến khích khách hàng thay thế nhiều hạng mục sớm hơn xe Nhật, trong khi các hãng xe Nhật thì hướng đến tính kinh tế, dịch vụ vận tải nên tần suất thay thế ít hơn.
Nếu nhìn vào những xe cổ có tuổi đời 40, 50, 70 năm trên thế giới thì xe sang rất nhiều, đơn giản vì hãng và khách hàng luôn đầu tư những gì tốt nhất cho xe. Còn xe Nhật thì ít có xe cổ vì họ khai thác hết chất xe và ít bảo dưỡng toàn diện hơn, xe họ sẽ bền trong một thời gian nhất định và sau đó là loại thải. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt về tư duy.
Với xe sang người ta xem đó vừa là phương tiện vừa có giá trị hình ảnh, thương hiệu dài lâu. Còn xe phổ thông thì không bằng, khách chỉ nhắm đến việc giữ giá hay ít tốn chi phí, không quan tâm lắm trải nghiệm và hưởng thụ cho mình.
Độc giả Trọng Hùng (VnExpress)