Theo nghiên cứu, khi xảy ra tai nạn, việc cho bé ngồi ở ghế trước có thể làm tăng 40% khả năng chấn thương so với ngồi ở phía sau. Ở một số quốc gia khác trên thế giới, người ta còn quy định độ tuổi nhất định khi cho trẻ ngồi ghế trước.
Dưới đây là những lưu ý mà các bậc cha mẹ cần quan tâm khi đưa trẻ nhỏ theo trên ô tô.
1. Cố định đồ ở trên xe
Khi va chạm xảy ra, những đồ không cố định sẽ trở thành những thứ cực kỳ nguy hiểm với hành khách ngồi trên xe, và đặc biệt là với trẻ nhỏ. Ví dụ như 1 lon bia hay 1 chiếc ô tô bằng nhựa cũng đủ sức gây một chấn động mạnh cho trẻ nếu bị va phải. Vì vậy các phụ huynh hãy đảm bảo hạn chế tối đa những thứ đặt trên xe mà không được chằng buộc cẩn thận.
2. Không để trẻ một mình trên xe
Ngay cả khi xe không di chuyển thì việc để trẻ một mình trên xe cũng là một điều cực kỳ nguy hiểm.
3. Chọn chỗ thích hợp cho trẻ
- Trẻ em sơ sinh dưới 1 tuổi và nhẹ hơn 9 kg thì bạn nên đặt bé ngồi hướng về phía sau để đạt độ an toàn cao nhất.
- Trẻ từ 10 kg tới 18 kg bạn nên đặt bé ngồi hướng về phía trước
- Những trẻ lớn hơn, có cân nặng từ 18 kg tới 30 kg bạn có thể cho trẻ ngồi trên ghế nâng nhưng phải sử dụng dây đai an toàn choàng qua ngực và bụng.
4. Sử dụng ghế trẻ em trên ô tô cho trẻ
Vì dây an toàn sẽ không sử dụng được nếu trẻ quá nhỏ nên chúng ta có thể mua thêm ghế an toàn cho trẻ. Hãy tìm hiểu độ tuổi thích hợp để trẻ chuyển lên ghế mới, vì mỗi một nấc cao hơn của ghế cũng đồng nghĩa với độ an toàn sẽ giảm bớt. Một vài lưu ý khi sử dụng ghế an toàn cho trẻ:
- Chú ý lắp ráp chính xác tuyệt đối ghế an toàn cho trẻ vào băng ghế của xe. Khi đã lắp ráp đúng cách, bạn không thể dịch chuyển ghế an toàn nhiều hơn 2 cm.
- Nên thắt dây đai an toàn vừa đủ chặt ngang gối và dưới vai.
- Đối với những trẻ dưới 1 tuổi, khi ghế an toàn được đặt hướng về phía sau, bạn cần phải dựa ngửa ghế để tránh trường hợp đầu bé gập xuống phía trước vì ở độ tuổi này xương cổ của trẻ chưa vững vàng.
- Trong thời gian xe chạy, tay cầm của ghế an toàn cần được gạt xuống và cài chặt.
- Để tránh cho người bé bị chèn ép vì những sợi dây an toàn, bạn nên dùng gối mỏng hoặc khăn tắm để chèn quanh người bé.
5. Không để trẻ chơi đùa trên xe
Trẻ em chơi đùa trên xe thường bị cuốn theo trò chơi, không làm chủ được hành động, không thể ngồi yên tại chỗ, nên dễ bị ngã va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng.
Ngoài ra khi lái xe bạn cũng nên lưu ý kiểm tra ghế an toàn hoặc dây an toàn của trẻ, khóa hết các chốt cửa trên xe tránh trẻ vô tình mở nhầm, kiểm tra và cố định các đồ ở trên xe.