Nhiều ý kiến ủng hộ cấm xe máy
Bạn Hoàng Lan (phố Nguyễn Khang, Hà Nội) chia sẻ, cấm xe máy là việc nên làm: "Tôi ủng hộ việc cấm xe máy vào các tuyến phố trung tâm. Ngày nào cũng nhìn cảnh hàng dài xe máy chen lấn, tạt ngang tạt ngửa để vọt lên mà chán ngán".
Chung quan điểm với Hoàng Lan, bạn đọc Văn Chiến (phố Giảng Võ, Hà Nội) cũng ủng hộ việc cấm xe máy: "Xe máy xả khói bụi ô nhiễm, tôi cho rằng việc cấm là hợp lý. Nhưng cấm xe máy liệu có giảm hẳn ùn tắc hay không thì tôi không dám chắc".
"Nếu cấm xe máy thì cũng cần phải xem xét lộ trình. Tôi đồng tình với việc hạn chế xe máy đi trong các tuyến phố nội đô, nơi đã có các phương tiện giao thông công cộng thay thế", Lê Mai (phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết.
Bạn Huy Hoàng (phố Vũ Tông Phan, Hà Nội) ủng hộ việc cấm xe máy, nhưng cũng còn khá nhiều trăn trở với quyết định của Sở GTVT: "Cấm xe máy cũng được. Nhưng Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu kỹ phương án này hay chưa. Cơ sở nào để khẳng định rằng, việc cấm xe máy sẽ hết ùn tắc?".
"Nếu chính sách không được nghiên cứu kỹ, kiểm nghiệm mức độ khả thi so với thực tế thì cấm 1 thời gian có khi lại gỡ bỏ. Cũng giống như nhiều chính sách giảm ùn tắc ở Hà Nội trước đây. Sau một thời gian, hao tiền tốn của rồi lại về con số 0".
"Tôi e rằng, việc cấm xe máy không có giải pháp đồng bộ, thì cấm ở tuyến phố này sẽ phình ra ở tuyến phố khác, khi đó các tuyến lân cận lại còn ùn tắc nhiều hơn", Huy Hoàng chia sẻ thêm.
"Tôi đồng ý với việc cấm xe máy theo lộ trình. Nhưng lộ trình đó cần phải được làm rõ, không chỉ nói suông. Nếu cấm xe máy vài tuyến phố mà không giải quyết được tình hình chung của cả thành phố thì không giải quyết được vấn đề căn bản", bạn Lê Nguyễn (Ba Đình, Hà Nội)
Nhiều người hoang mang lo lắng
Bạn Hương Giang (Hà Đông, Hà Nội) gay gắt: "Cấm xe máy tôi đi làm bằng gì đây? Nhà tôi không gần tuyến xe buýt nào cả".
"Các ông đã tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra chính sách hay chưa? Hay phán bừa để khổ dân thôi", bạn Minh Chiến (Lê Văn Lương, Hà Nội) bức xúc.
"Nhà tôi có con nhỏ, đưa đón chúng nó đi học trường này trường kia. Tôi không có ô tô. Thế tôi đưa con đến trường đường sắt trên cao à?", chị Huệ Anh chia sẻ.
Bạn Hoàng Lương (Hà Đông, Hà Nội) phản ứng gay gắt: "Chúng tôi là những người dân lao động, xe máy là phương tiện nuôi sống cả gia đình tôi. Tôi không có tiền mua ô tô thưa các quý ngài Sở GTVT".
Bác Huy Vũ (Nguyễn Trãi, Hà Nội) dành cả một trang viết khá dài đưa ra những "nỗi khổ" của gia đình nếu đề án cấm xe máy thí điểm trên các tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi được thực hiện: "Gia đình tôi sống trên trục đường mà Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết sẽ thí điểm hạn chế, tiến tới việc cấm xe máy là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương. Tôi đang hoang mang tột độ".
Nhà tôi có 4 thành viên thì 3 người đang dùng xe máy làm phương tiện chính để di chuyển hàng ngày. Con trai và con dâu đang làm việc cho các công ty cách nhà gần 10km. Nếu bị cấm xe máy, các con tôi phải lựa chọn các loại phương tiện khác để đi làm mỗi sáng.
Tôi nghĩ đến xe buýt. Có ai còn lạ gì xe buýt ở Thủ đô vào giờ cao điểm sẽ thế nào rồi. Lên xe đứng một chân có khi còn không có chỗ. Mà ngay cả khi có chỗ trên xe buýt, cũng chẳng có gì đảm bảo việc con tôi đến được công ty đúng giờ. Vì đường tắc, chứ có phải chỉ xe máy tắc còn xe buýt thì không đâu.
Thử làm một phép tính đơn giản, nếu tất cả mọi người trên tuyến đường này không đi xe máy mà cùng dồn lên xe buýt thì sự thể sẽ thế nào.
Tôi cũng nghĩ đến hệ thống đường sắt đô thị đang sắp hoàn thành. Cứ cho là Metro của chúng ta sớm đi vào hoạt động suôn sẻ, thì con tôi sẽ đi từ nhà ra ga Metro bằng gì, rồi từ đầu ga bên kia đến công ty bằng gì nữa. Với cả Metro của chúng ta đang có được bao nhiêu tuyến, đáp ứng được nhu cầu của người dân là bao nhiêu.
Tôi là người dùng cái xe máy thứ ba trong gia đình để đưa đón 2 đứa cháu học ở 2 trường khác nhau cách nhà hơn 3km. Hàng ngày đưa đi đón về cũng khá nhiều lượt. Tôi đi Metro hay xe buýt để đón các cháu được sao?..."