Ngoài những thói quen thường gặp khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông (GT) như: nghe điện thoại, uống rượu bia, không cài dây an toàn, bóp còi chưa đúng cách, thì có những điều ta thường bỏ qua hay xem nhẹ, mà đôi khi những điều đó có thể gây nguy hiểm cho chính mình và mọi người. Dưới đây là những lưu ý cơ bản nhất bạn cần chuẩn bị và ghi nhớ trước và trong khi ngồi sau vô-lăng.
1. Kiểm tra xe trước khi đi xa
Trước khi đi xa, lái xe cần kiểm tra nước mát, nước rửa kính, dầu côn, phanh, dầu thuỷ lực, lốp, nhiên liệu, ắc-qui, gương, đèn, kính chắn gió, các thiết bị chuyên dụng khác…
2. Tư thế lái đúng
Luôn giữ vôlăng bằng cả hai tay theo các thế 9 giờ, 9 giờ 15, hay 3 giờ, không tì khuỷu tay lên thành cửa, chỉnh ghế phù hợp. Tất cả những điều đó giúp bạn thoải mái và có thể đánh lái nhanh, chắc khi gặp các tình huống bất ngờ, đặc biệt phòng tránh bị thương khi xe đâm mạnh và túi khí an toàn trên vô-lăng nổ.
3. Nghỉ đúng lúc
Bạn không nên lái xe khi sức khoẻ yếu, đói và thần kinh không tỉnh táo, đãng trí, xúc động, bị chi phối vì một vấn đề quan trọng, nếu buồn ngủ và bắt buộc phải lái xe thì nên ngủ chợp mắt độ 10 –15 phút, rửa mặt, uống càphê, trà đặc cho tỉnh. Nếu không cần thiết thì không nên lái vào khoảng thời gian từ 0h đến 6h, lúc thiếu ngủ, đang dùng thuốc an thần, đang bị rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng của rượu kể cả đến ngày hôm sau.
4. Không mở nhạc quá lớn
Một bản nhạc yêu thích phần nào đó sẽ làm vơi đi quãng đường dài, vơi đi cái nắng chói chang, khói bụi, cảm giác đỡ bức bối hơn khi ngập ngụa trong dòng xe kẹt cứng. Nhưng nếu mở nhạc quá lớn thì cũng chẳng khác nào người khiếm thính tham gia GT.
Lúc này, khó mà nghe được sự cảnh báo nguy hiểm của người chung quanh khi đến điểm giao cắt (kể cả với đường sắt) hay trong tình huống xe phía sau mất phanh, mất lái. Những tiếng kêu lạ từ động cơ, tiếng ống hơi, tiếng lốp bị xì... cũng dễ dàng bị bỏ qua. Hậu quả có khi khôn lường. Nếu có thói quen hoặc đôi lúc cao hứng theo kiểu "tiếng hát át tiếng xe" thì cũng nên điều chỉnh sao cho "tiếng xe đè tiếng nhạc" sẽ an toàn hơn
5. Trên xe có trẻ nhỏ
Cho trẻ ngồi ghế sau, dùng dây an toàn, khoá các cửa và kính lại, không cho trẻ đứng hoặc đi lại khi xe đang chạy. Cho xe chạy đều, không lắc, không giật, không phanh gấp, dùng điều hoà vừa phải.
6. Giữ khoảng cách an toàn
Giữ khoảng cách với xe trước và xe sau ít nhất là 2 giây (16m cho tốc độ 30Km/h, 33 m cho 60Km/h, 44m cho 80Km/h), khoảng cách này chỉ dùng khi thời tiết và mặt đường tốt, không nên nhìn đi hướng khác quá 2 giây, điều này sẽ hạn chế hầu hết các vụ “rúc đuôi” và “dồn toa”.
7. Chú ý đến giới hạn tốc độ
Lái xe vượt quá tốc độ không phải là việc làm khôn ngoan của tài xế. Không chỉ phạm luật, bạn vô tình khiến xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn khi thay đổi liên tục tốc độ. Chưa kể đến việc dùng phanh nhiều khiến bộ phận này nhanh xuống cấp. Hoặc lốp xe giảm tuổi thọ khi trượt bánh do phanh gấp. Điều quan trọng là cần duy trì tốc độ ổn định càng nhiều càng tốt trong xuyên suốt hành trình lái xe.
8. Một số lưu ý khác
Bạn không nên dùng điện thoại khi lái xe vì như vậy sẽ làm phản ứng của bạn bị chậm đáng kể, không nên ăn, uống, hút thuốc hay lục tìm các vật dụng khi cầm lái. Khi dừng xe phải nhắc khách quan sát bên ngoài trước khi mở cửa. Đừng tuỳ tiện dừng xe trên đường cao tốc nhất là khi trời tối và thời tiết xấu. Nếu bắt buộc phải dừng thì tìm chỗ thuận lợi, nhớ bật xinhan đi thẳng, dừng lâu phải dùng các biển báo, cành cây để cảnh báo….
Khi nổ lốp không nên phanh, giữ chắc vôlăng, giảm ga bình thường, khi kiểm soát được xe thì phanh nhẹ, đưa xe ra hẳn lề đường.