Nhảy xuống bơi trong kênh đào Venice, đuổi theo các geisha trên đường phố ở Kyoto, tốc váy bạn gái trong đền thờ ở Bali, 5 người đàn ông Úc khoả thân chạy trên đường một hòn đảo ở Indonesia, dường như cứ mỗi tuần, du khách lại cống hiến một vài ý tưởng sáng tạo mới, khó ngờ nhất ở những nơi họ đặt chân tới.
Khách du lịch từng được xem là mỏ vàng mới của nền kinh tế toàn cầu. Còn nhớ, Nhật Bản từng là một quốc gia "khắc nghiệt" với người ngoại quốc. Cho tới những năm 2010s, người Việt vẫn không thể xin visa vào Nhật theo dạng du lịch tự túc. Nhưng chỉ vài năm sau tình hình thay đổi hoàn toàn, visa du lịch tự túc vào Nhật thậm chí còn được cấp dài hạn 1-3 năm khá dễ dàng. Nhiều quốc gia còn bỏ hẳn visa để khuyến khích khách du lịch.
Theo tổ chức du lịch LHQ, năm ngoái, con số lượt người du lịch quốc tế (tức đi du lịch qua các quốc gia khác ngoài quê hương) vào khoảng 1,4 tỷ lượt, vượt xa con số 166 triệu lượt của thập niên 1970s hay chỉ 25 triệu lượt của thập niên 1950s.
Dân du lịch đã đóng góp khoảng 1,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu (2018) tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Top 5 quốc gia được du khách nước ngoài thích lui tới nhất là: Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc, Ý.
Thế nhưng, đám đông khách du lịch cũng khiến dân địa phương nhiều nơi phải "bỏ nhà chạy lấy người", tiêu biểu như Venice, Barcelona giờ du khách còn nhiều hơn dân bản xứ. Giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ, môi trường trở nên tồi tệ hơn. "Con người đã du lịch, các nền văn hoá đã đụng độ và môi trường phải trả giá" - Phaedra C. Pezzullo, một chuyên gia về du lịch, tác giả cuốn Du lịch độc hại ("Toxic Tourism") nhận định.
Du lịch không phải là "Xách vali lên và đi", mà "Du lịch chính là giáo dục", Ina Rodin, giám đốc văn phòng du lịch Bắc Mỹ tại Croatia khẳng định. Và trong công việc mang tính giáo dục này, các nhà làm du lịch phải vào cuộc chứ không chỉ trông chờ ý thức tự phát của du khách.
Năm 2018, Rome cấm du khách uống rượu trên phố hay ngâm mình trong các đài phun nước. Tây Ban Nha cấm khách ăn uống kể cả đồ ăn nhẹ trên các bậc thang ở các khu di tích. Phố đèn đỏ Amsterdam đã đóng cửa các tour du lịch. Thành phố Kyoto mới đây ứng dụng "kiềm chế khách du lịch" trên điện thoại thông minh để nhắc nhở việc du khách nằm chụp ảnh trên đường hoặc đuổi theo các geisha. Sau một loạt các câu chuyện tiêu cực liên quan đến khách du lịch Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành một bộ quy tắc ứng xử có tên là "Hướng dẫn về du lịch và du lịch văn minh" cho người Trung Quốc khi đi du lịch, với những lời khuyên chi tiết như: không khạc nhổ ngoài đường, không chen ngang khi xếp hàng…
Nghe có vẻ buồn quá!
Nguồn: FB Nhà báo Thuỷ Phạm