Trong đó, ô tô ở Việt Nam nằm trong hạng mục hàng hóa xa xỉ, phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt rất nặng từ 35% - 60%.
Tiếp đó là thuế nhập khẩu. Xe sản xuất, lắp ráp trong nước chịu thuế nhập khẩu linh kiện còn xe nhập nguyên chiếc phải chịu thuế nhập khẩu xe, mức thuế thậm chí có thể lên tới 70 % đối với xe có nguồn gốc xuất xứ ngoài ngoài khu vực ASEAN.
Đặc biệt, đối với ô tô, nguyên tắc đánh thuế được áp dụng là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ theo thứ tự: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế VAT. Đây là lí do vì sao cùng một loại xe giá ở Việt Nam lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá xe ở nhiều nước khác.
Ví dụ ở Mỹ, tổng các loại thuế đánh vào ô tô sẽ ở dưới mức 9.000 đô la, thuế nhập khẩu nguyên chiếc khoảng 6% và xe hơi không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ở Thái Lan và Indonesia có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe hơi nhỏ nên đánh thuế tiêu thụ thấp, chỉ ở mức 3% -10%.
Trong khi đó, mức thuế thấp nhất ở Việt Nam đã là 35%, cùng cách thuế đánh chồng lên thuế khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn nhiều Thái Lan và Indonesia mặc dù cả 3 nước đều thuộc nhóm có thuế ô tô cao.
Theo các chuyên gia, trong cơ cấu giá thành xe sản xuất ở Việt Nam hiện nay, thuế và phí chiếm tới 45% - 55%, còn lại là chi phí sản xuất xe. Tuy nhiên, chi phí này cũng tiếp tục cao hơn 20% so với các nước trong khu vực vì Việt Nam nhập khẩu tới 80% linh kiện.
Chính vì vậy, nếu người Việt muốn mua xe hơi “xịn” ở Việt Nam với giá… Mỹ là điều “không tưởng” vì riêng khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đã khiến người dân phải trả thêm 35 - 60%.
Đó cũng là lý do một số hãng xe đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hoá lên 60% trong tương lai, bởi nếu làm được điều đó, giá xe của các hãng này sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều.