Theo thông cáo từ Grab, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam mong Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo hướng tích cực, phù hợp với tính năng động của thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, vốn đang ngày càng phát triển nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo.
Đánh giá về sức cạnh tranh của các đối thủ cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ giống như Grab, ông Jerry Lim cho rằng, khách hàng luôn có thể xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng các hình thức vận chuyển khác, bao gồm gọi xe taxi, vẫy xe taxi trên đường, hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác.
Các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác nếu các điều kiện phổ biến như giá cả và thu nhập không còn phù hợp với họ.
"Điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của chúng tôi về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh", ông Jerry Lim cho biết.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có kết luận vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp này khiến thị phần vượt ngưỡng 50% nên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Hồi tháng 9/2018, Cơ quan giám sát cạnh tranh của Singapore đã phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đô la Singapore (SGD), tương đương 9,5 triệu USD, vì vụ sáp nhập của Grab và Uber trước đó.