Henry Ford có lẽ đi sau về phát minh và công nghệ, nhưng ông lại là người đặt nền móng cho chuyên môn hóa, dây chuyền sản xuất và sản xuất quy mô lớn vào những năm đầu 1900. Khao khát của Soichiro Honda nhân lên gấp bội khi séc-măng của mình không đủ chuẩn nộp cho Toyota vào thập niên 40. Và Lamborghini có khi chỉ là xe máy cày nếu như không có sự xem thường của Ferrari.
Khao khát chứng minh bản thân của những hãng xe trong thập niên 50 được khắc họa rất rõ trong bộ phim Ford vs Ferrari. Sự khao khát của người Mỹ khi muốn phá tan sự ngạo nghễ của lục địa già đã giúp họ tạo ra Ford GT 40 - chiếc xe bất ngờ vượt qua Ferrari ở Lehman, tạo ra những chiếc xe cơ bắp trông vẫn “max ngầu” cho đến tận ngày nay như Charger/Camaro/Mustang, và tiên phong khai phá, đầu tư mạnh tay vào marketing để tạo ra một ngành ô tô sắc màu, hoành tráng như ngày nay.
Xe Nhật ở thập niên 80 cũng thế, từ chỗ bị ngờ vực khi bước vào thị trường Mỹ, đã trở thành nỗi ám ảnh của Detroit khi họ "over-engineering" kể cả những chiếc xe phổ thông nhất. Khi chế tạo chiếc Lexus LS 400 đầu tiên để giới thiệu cho thị trường Bắc Mỹ năm 1989, Toyota xác định với đội ngũ R&D là không có giới hạn về tài nguyên và ngân sách. Những chiếc xe thể thao huyền thoại của Nhật cũng khai sinh trong giai đoạn này. Ông hoàng Rally 10 năm liên tiếp, cỗ máy "1000hp" 2JZ, kẻ phá bĩnh siêu xe GT-R, hiệu suất động cơ NA siêu tưởng của S 2000 và rất nhiều mẫu xe khác của Nhật... lại được giới trẻ xứ Cờ Hoa săn đón. Và khao khát của xe Nhật, của người Nhật đã giúp họ có vị thế như ngày nay, giúp họ tạo ra cả một tôn giáo, với những tín đồ.
Và sau xe Nhật, 5 năm trở lại đây và 10 năm nữa, có khi lại là xe Hàn. Bất cứ danh sách giải thưởng, top 10, bình chọn của các tổ chức uy tín hiện nay, và nhất là top xe bán chạy - luôn có bóng dáng của xe Hàn.
Ở đâu có xe Nhật, ở đó có xe Hàn. Không chỉ làm ra những chiếc xe phổ thông tốt ngang ngửa hay vượt trội xe Nhật như Santa Fe, người Hàn còn làm ra những chiếc xe thực sự khác biệt như Kia Soul, và cả nhũng chiếc xe thú vị mạnh mẽ như Stinger, Veloster. Nhìn vào thế hệ sản phẩm mới nhất của Genesis, sẽ khó có ai dám nói là kém cạnh khi đứng kế bên “ông hàng xóm” Lexus.
Thế mới nói, ngành ô tô được sinh ra ở Đức và phát triển sớm ở châu Âu, nhưng lại sinh ra thêm dăm ba lần nữa ở 2 lục địa khác: châu Mỹ và châu Á.
Nguồn: Minomitu Nguyễn