Từ “võ mồm”…
Hình ảnh các đối tượng tham gia giao thông to tiếng, cãi nhau, thậm chí là ẩu đả đã không còn phải là chuyện hiếm của giao thông nước ta.
Cứ sau khi xảy ra va chạm là nhiều người sẽ “làm ầm lên” với người kia, không cần biết là mình đúng hay sai. Họ đến để trách cứ, để chửi rủa, để kêu gào những rắc rối của họ đang phải gánh chịu từ người kia gây ra. Nếu người còn lại cũng tức tối, hơn thua thì ngay cả đánh nhau, họ cũng không ngại.
Dường như không có một ai chưa từng là người trong cuộc của các vụ va chạm, không to thì nhỏ. Nhỏ thì có thể là những va quệt nhẹ, làm lệch tay lái chút xíu hay là những cú thúc vào xe khi bị ùn tắc, khi chờ dừng đèn đỏ nhưng không gây ảnh hưởng gì.
Còn va chạm nghiêm trọng hơn thì có thể là hai xe đâm nhau làm hư hỏng xe, khiến 1 hoặc cả 2 xe ngã xuống đường... Nguyên nhân va chạm thì “mỗi người một khác”: dừng xe gấp, phóng xe không để ý xe phía trước, rẽ đường đột ngột, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phóng nhanh không làm chủ tay lái… Chuyện ai đúng ai sai thì tùy tình huống có sự đánh giá riêng. Nhưng cái đáng bàn trước hết chính là cách ứng xử của chúng ta sau khi xảy ra va chạm.
… Đến giải quyết bằng “nắm đấm”
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều án mạng liên quan đến va chạm giao thông đã khiến dư luận giật mình. Giật mình vì nhiều cái chết đến từ những nguyên nhân rất nhỏ mà đáng ra chỉ cần một lời xin lỗi nhau là xong...
Thay vì nhường nhịn bỏ qua cho nhau hoặc nhờ lực lượng chức năng giải quyết thì nhiều người lại lao vào “choảng” nhau. Không ít vụ va chạm giao thông diễn ra và hậu quả của nó không chỉ khiến phương tiện bị hư hại, mà còn gây ra những vụ hỗn chiến đổ máu, thậm chí dẫn đến án mạng.
Đáng buồn hơn, sự việc đau lòng này diễn ra ngày càng nhiều ở các đối tượng thanh niên. Bây giờ ra đường, người ta vô cùng sợ va chạm giao thông. Chỉ sơ sảy một chút là dễ dàng bị ăn đòn bởi ngày càng nhiều người tỏ ra manh động, thích thể hiện trước người khác.
Phòng Cảnh sát hình sự, công an TP. Hà Nội đánh giá, ngày càng có nhiều vụ trọng án xuất phát từ va chạm giao thông. Đặc biệt, không chỉ có thanh niên, các đối tượng côn đồ mà ngay cả những người dân bình thường, có học thức cũng có thể gây án khi mất bình tĩnh.
Thực tế chỉ ra, những sự việc “chẳng có gì” mà dẫn đến tai nạn là tại cả đôi bên đều cố tỏ ra “hung hăng”, thậm chí nhiều đối tượng luôn “thủ” sẵn hàng nóng đi ra đường để… tiện sử dụng. Khi đã có vũ khí trong người, nhiều đối tượng không còn biết sợ, chẳng coi ai ra gì, thậm chí chủ động gây va chạm để đánh nhau cho sướng.
Thế mới thấy, không chỉ tai nạn giao thông mới có thể cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông. Rõ ràng cách hành xử giữa những người đi đường với nhau cũng có thể khiến người ta mất mạng như chơi.