Ở nước ta, còi xe ngoài chức năng dùng để báo hiệu cho các xe khác, còn mang “sứ mệnh” của một cảnh sát giao thông. Không tin, cứ thử đứng trong dòng xe cộ đang đợi đèn đỏ mà xem. Chỉ cần đèn giao thông còn tận những 5 giây nữa là lập tức bạn sẽ được nghe những tiếng còi réo vang từ hàng trăm chiếc xe máy, hay những “tràng” còi đinh tai nhức óc của từng đoàn ôtô giục giã.
Ngay cả tại các khu vực “nhạy cảm” như bệnh viện, trường học…, dàn “đồng ca” còi vẫn… hồn nhiên cất lên những “bản giao hưởng” khó nghe.
Thứ văn hóa… còi kiểu này vẫn “trình diễn” hằng ngày, hằng giờ trên các đường phố Việt Nam.
Trên đây là chuyện đường phố, còn ở quốc lộ thì sao? Văn hóa còi thậm chí còn… còi hơn.
Chỉ cần bước chân ra khu vực ngoại thành Hà Nội, bạn sẽ tận mắt chứng kiến các “hung thần quốc lộ”… “bắt nạt” dân lành ghê gớm. Xe tải gầm rú, phóng với tốc độ cao và bóp còi liên tục, khiến nhiều người yếu bóng vía giật mình, ngã vật xuống đường. Xe ôtô nhỏ hơn và xe máy, xe đạp chỉ còn cách mau chóng dạt sang hai bên nhường đường cho các “ông kễnh” vượt mặt, để lại sau lưng toàn là đất đá, cát sỏi và từng đám bụi ken dày.
Đáng buồn thay, tình trạng lạm dụng còi xe phổ biến đến nỗi bóp còi dường như đã trở thành một thú tiêu khiển của những người điều khiển phương tiện giao thông. Tại khắp các tuyến đường trên cả nước, lái xe tải, xe khách thường lắp bộ phận còi hơi để… hù dọa người đi đường.
Trở lại chuyện cái còi xe. Nhà sản xuất làm ra nó, gắn nó vào những chiếc ôtô, xe máy là để khi thật cần thiết mới sử dụng, chứ không phải để lúc nào người đi xe cũng cho mình cái quyền… bóp vô tội vạ. Còi dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng kiểu thì có tác dụng tốt, còn dùng sai sẽ gây phản cảm, khó chịu, thậm chí làm ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tới bộ mặt giao thông đất nước.
Túm lại nhắc đến chuyện dùng còi xe, nhiều người Việt vẫn ở mức văn hóa… “còi”.