1. Nguyên nhân dẫn ô tô bị cháy
- Hệ thống cung cấp nhiên liệu gặp sự cố
Đây được coi là nguyên nhân có khả năng gây rủi ro với tỷ lệ lớn nhất. Nhiên liệu từ bình chứa tới được buồng đốt là phải qua một hệ thống đường ống phức tạp với rất nhiều điểm nối và tiếp xúc. Các đường ống dẫn nhiên liệu qua năm tháng sẽ bị lão hóa và dạn nứt, hoặc các rắc co đã bị oải, mòn hay han rỉ làm hở các đầu nối giữa các điểm tiếp xúc ống với nhau.
Nhiên liệu theo các khe hở đó chảy ra ngoài bám vào thành động cơ rồi nhanh chóng lan tỏa trong khoang máy. Nhiệt độ trong khoang máy lên quá cao do vận hành lâu hoặc có tia lửa điện do chập hoặc hở các dây điện sẽ làm cho nhiên liệu rò rỉ bốc cháy.
- Dây dẫn và các thiết bị không đạt chuẩn
Việc lắp thêm còi, đèn cao áp với các dây dẫn chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn về công suất cũng là nguyên nhân dẫn đến các sự cố cháy xe. Trong vài năm trở lại đây, đã không ít trường hợp xe bị cháy toàn bộ cụm đèn pha trước chỉ vì chủ xe lắp bóng đèn siêu sáng (không phải bóng xe-non).
Các loại bóng siêu sáng này (thường được nhập từ Trung Quốc) có công suất rất lớn, và tỏa nhiệt rất cao, trong khi hệ thống dây dẫn và chóa đèn được thiết kế theo bóng chuẩn với công suất thấp. Việc lắp bóng công suất cao không chỉ là nguyên nhân làm cháy cụm đèn mà còn có thể làm hư hỏng toàn bộ dây dẫn của hệ thống chiếu sáng, gây chập điện.
- Máy phát hay máy đề quấn lại không đảm bảo
Máy phát và máy đề là những bộ phận có thể bị hư hỏng bất ngờ trong quá trình sử dụng xe. Khi xảy ra trường hợp này, các chủ xe không nên tham rẻ mà mang xe đi sửa chữa để quấn lại cuộn máy phát hay máy đề tại những service không tin cậy. Việc sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền cộng với kỹ thuật yếu kém tại các “service vỉa hè” có thể là nguyên nhân dẫn đến hỏng hóc rồi cháy nổ chỉ sau một thời gian ngắn sửa chữa. Giải pháp tốt nhất là mang xe đến các trung tâm uy tín để khắc phục hoặc thay thế.
- Các chất gây cháy, nổ trên xe
Bình ga, bình xịt giảm đau, nước hoa, bật lửa và một số loại hóa chất chứa ga khác là những thứ dễ cháy hoặc nổ, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè. Nhiều người thường có thói quen để những vật dụng này trên xe khi đi tập thể thao hoặc đi du lịch, rất nguy hiểm. Theo lời khuyên của một số trung tâm nhận chuyển phát nhanh, một số mặt hàng nhạy cảm như nước hoa, dầu xịt… cần phải được bảo vệ cẩn thận trong hộp xốp kín và chắc chắn để cách nhiệt trước khi đưa vào trong xe.
- Hệ thống đánh lửa bị hở mạch
Dây cao áp của hệ thống đánh lửa cũng là bộ phận nhạy cảm trong khoang xe và cũng rất dễ gặp sự cố nếu sử dụng lâu ngày hoặc do thay thế loại chất lượng không đảm bảo. Dưới tác động của nhiệt độ cao trong khoang máy, cộng với việc chịu tải điện cao áp, đường dây này có thể bị lão hóa, dạn nứt hoặc bị chảy làm điện đánh ra ngoài làm cháy các bộ phận bằng nhựa hoặc cao su gần nó. Đặc biệt nguy hiểm là khi khoang máy lại bị dính nhiều dầu mỡ do lâu ngày không được vệ sinh và nhiên liệu rò rỉ (như đề cập ở trên).
2. Cách phòng tránh và xử lý khi xe cháy nổ
- Để ý tới xe trước khi khởi hành
Xe chạy qua đường rơm rạ dễ bắt lửa. Rơm rạ có thể bám vào ống xả (đối với ô tô) và gầm xe máy, gây cháy khi có nhiệt độ cao. Hãy kiểm tra kĩ gầm xe và ống xả, nhặt bỏ các vật thể dễ cháy như giấy, rơm rạ khỏi gầm xe trước khi khởi hành.
Các dây điện trên xe bị chuột cắn hoặc bị hư hỏng phần nhựa bọc cũng là nguyên nhân gây chập cháy. Hãy bảo dưỡng chiếc xe của bạn thường xuyên để kiểm tra và khắc phục những lỗi dây điện.
- Không gắn thêm các thiết bị điện trên xe
Những thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ gây quá tải điện hoặc ảnh hưởng đến cơ cấu của hệ thống điện. Đó cũng là nguyên nhân gây cháy nổ.
Thông thường, tất cả điện được điều khiển tập trung và kiểm soát bởi cầu chì. Nếu cháy chập, cầu chì sẽ là bộ phận đảm bảo an toàn. Nhưng nếu do lắp đặt sai nguyên tắc (do nhà sản xuất hoặc do lắp thêm các thiết bị điện, do thợ sửa chữa bảo dưỡng tay nghề kém), dẫn tới đấu tắt, thậm chí tháo bỏ cầu chì, dễ dẫn tới cháy nổ.
- Cẩn thận khi sử dụng xe
Hút thuốc lá và vứt tàn thuốc bừa bãi sẽ dễ dẫn tới cháy nổ xe. Hãy để ý một chút và vứt tàn thuốc vào nơi quy định.
Không để ý tới những vệt nước lạ dưới gầm xe, cũng có thể dẫn đến cháy nổ. Một chút chảy xăng, dầu, hay ống thoát xăng thừa có thể là nguyên nhân dẫn tới bắt lửa và cháy xe.
Thường xuyên lau sạch nắp bình xăng và xung quanh để làm sạch xăng khô đọng lại, giảm tối đa nguy cơ bắt lửa tới bình xăng gây cháy.
- Bảo dưỡng định kỳ
Bảo dưỡng là cách tốt nhất để kiểm soát độ an toàn của chiếc xe. Không phải ai cũng là chuyên gia xe cộ, bởi vậy việc đem xe tới “bệnh viện” đúng lịch là cách tốt nhất để đảm bảo chiếc xe an toàn.
Những hệ thống dễ gây cháy nổ như hệ thống điện, bugi, bộ chế hòa khí, bình xăng... cần được kiểm tra kĩ để tránh dò xăng, hở điện gây cháy nổ.
Rất khó chữa cháy một chiếc xe đang cháy, bởi xăng tồn tại ở bình xăng, bộ chế hòa khí và trong động cơ đã bắt lửa, việc cứu chữa cũng không đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu xảy ra cháy xe, hãy ngay lập tức rời bỏ chiếc xe. Tính mạng của bạn quan trọng hơn tài sản.