Xe nhập khẩu sẽ hồi sinh nhờ Chính sách
Sang năm 2020, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Theo đó, ôtô nhập khẩu có thể sẽ được kiểm tra theo kiểu, loại thay vì theo lô, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đáng lưu ý, thời gian hoàn thiện thủ tục nhập khẩu cho một lô xe có thể giảm từ 45 ngày còn 7 ngày.
Còn trong dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, một nội dung rất quan trọng được đề cập là miễn, giảm thử nghiệm đối với các kiểu, loại có 3 mẫu thử nghiệm của 3 lô hàng nhập khẩu liên tiếp cùng kết cấu. Trường hợp cơ sở nhập khẩu có kiểu, loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu thì được miễn nộp các tài liệu quy định của thông tư này.
Chưa hết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ôtô về 0% sau 9-10 năm cũng khiến sức cạnh tranh của các dòng xe nguồn gốc châu Âu tăng dần lên. Cơ hội cho xe ngoại vào thị trường Việt Nam còn thuận lợi hơn khi chỉ sau 5 năm, kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng của EU, tức khi nhập vào Việt Nam, không cần qua bước chứng nhận nữa. Thậm chí, ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực thì "tâm lý kỳ vọng" vẫn tác động không nhỏ đến giá xe và nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.
Với những động thái chính sách trên, các đại lý ôtô dự báo xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ về nước nhanh, nhiều và giá hấp dẫn hơn.
Một số chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, năm 2020, người tiêu dùng sẽ đặc biệt quan tâm và kỳ vọng vào chính sách giảm giá xe nhập khẩu nên nhu cầu lựa chọn xe nhập sẽ lớn hơn xe lắp ráp trong nước. Từ đó, các đại lý có thể định hướng tăng doanh số xe ngoại.
Đại diện các hãng xe Ford, Toyota, Honda thừa nhận thời gian qua, nhiều mẫu xe nhập khẩu không đủ cung cấp ra thị trường. Sắp tới, nếu điều kiện được nới lỏng, các hãng sẽ điều chỉnh tăng lượng xe nhập để đáp ứng nhu cầu.
Sản xuất ô tô trong nước có nhiều động lực để phát triển
Giai đoạn ôtô hóa sẽ diễn ra sau năm 2020 và thị trường ôtô Việt Nam được dự báo đạt quy mô 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Dư địa thị trường rất lớn và cơ hội chia đều cho các nhà sản xuất, nhập khẩu. Đầu tư để cạnh tranh được với xe nhập trong bối cảnh mở cửa thị trường là không hề dễ dàng song các chính sách giảm thuế có thể tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp (DN) nội.
Dĩ nhiên là trước sức ép cạnh tranh, các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước buộc phải nghĩ đến biện pháp ứng phó nhằm giữ thị phần. Hướng đi trước mắt là rà soát chặt chẽ chi phí sản xuất để tối ưu hóa giá thành và lợi nhuận. Ngoài ra, họ cũng cần phối hợp với đối tác là các hãng xe toàn cầu để bổ sung các tính năng cho sản phẩm mới nhằm tăng sức cạnh tranh.
"Đầu tư vào dây chuyền để sản xuất đủ số lượng, hạ giá thành luôn là bài toán đau đầu. Chúng tôi mong chờ chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được miễn thuế TTĐB với linh kiện sản xuất trong nước. Cùng với chính sách giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về mức 0%, giảm thuế TTĐB cũng góp phần giảm giá xe nội" - một DN kỳ vọng.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra cuối năm 2019, nhóm công tác công nghiệp ô tô – xe máy kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất trong nước để bù đắp chi phí sản xuất cao ở giai đoạn “chuyển tiếp”, khi thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa đủ lớn. Cụ thể, nhóm đề xuất mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ví dụ ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế TTĐB cho 10 năm kể từ 2018.
Bên cạnh đó, xóa bỏ thuế TTĐB cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế TTĐB hiện tại cho xe tải pick-up vì đây là những dòng xe thương mại, hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Việt Nam. Ngoài ra, thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được cũng cần được xóa bỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương): “Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện, vì nếu giảm loại thuế này thì sẽ giúp doanh nghiệp trong nước cắt giảm chi phí, góp phần hỗ trợ sản xuất phát triển. Thực tế hiện nay chi phí sản xuất trong nước đang cao hơn so với khu vực khoảng 20%”.
Được biết, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam mới bằng 5-10% Thái Lan và Indonesia. Nhưng sau năm 2020, thu nhập đầu người trên 3.000 USD/năm, Việt Nam bắt đầu ô tô hóa, thị trường bùng nổ. Quy mô khi đó sẽ gấp đôi năm 2010, đạt hơn 400.000 xe. Với trên 90 triệu dân, nếu ô tô hóa, thị trường Việt Nam có thể lớn hơn Thái Lan”.