Mới hôm trước nói về chuyện Carlos Ghosn bị bắt, thì đến ngay chuyện của Nissan Việt Nam. Xe Nissan được biết đến ở Việt Nam từ rất sớm, với lô xe Cedric huyền thoại một thời và sau này là Bluebird. Nhưng so với các hiệu xe Nhật khác, Nissan chính thức vào Việt Nam muộn, lại qua con đường phân phối nguyên chiếc.
Lý do, từ tận 1999, khi Ghosn bắt tay vào công cuộc cải tổ vĩ đại ở Nissan, hàng loạt nhà máy đã đóng cửa, việc sản xuất được tập trung về một số ít cơ sở. Ở các thị trường ngoài Nhật, Nissan “chọn mặt gửi vàng” một số nhà phân phối, trong đó khu vực châu Á TBD là Kjaer của Đan Mạch.
Kjaer bắt đầu vào Việt Nam từ 2006, với nhà phân phối Motocare. Ai ở Hà Nội lúc đó chắc còn nhớ showroom trên phố Kim Mã của chủ garage Văn Tân. Tuy nhiên, giá xe đầu tiên được phân phối là Tiida khoảng 40 ngàn Mỹ quá đắt trên thị trường, thêm form xe dạng hatchback không mấy được chuộng ở thời điểm đó.
Năm 2008, Kjaer bắt tay Nissan lập ra liên doanh Nissan Việt Nam (NVL) bắt đầu đưa thêm các xe khác. Chưa đầy 2 năm, cuối 2010, Kjaer bán hết 74% cổ phần (7,4 triệu đô la Mỹ) cho Tan Chong của Malaysia. Tan Chong có rất nhiều kinh nghiệm ở ASEAN, là nhà phân phối Nissan và Subaru cho Malaysisa lẫn Singapore.
Lúc này, sản phẩm lắp ráp duy nhất của NVL là Grand Livina, đối thủ của Innova, đang được lắp ở dây chuyền đặt nhờ tại nhà máy VMC, hay Nhà máy Ô tô Hoà Bình. Ông này thì đang cho mượn mặt bằng và nhân công để lắp ráp theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là mấy xe tàu.
Sau khi có quyền phân phối xe Nissan, Tan Chong cũng bắt đầu xây dựng nhà máy ở Đà Nẵng và khánh thành vào năm 2013. Nhà máy này có khuôn viên 129.500 mét vuông (hiện tại đã đưa vào sử dụng khoảng 31.450 mét vuông), đầu tư 32 triệu USD có cả đường thử, mới vận hành ở mức công suất thông thường khoảng 528 xe/ tháng (tương đương 6.336 xe mỗi năm). Chạy hết công suất, nhà máy có thể xuất xưởng 3.072 xe/tháng, tương đương gần 37.000 xe mỗi năm. Cho đến hiện tại, mới có 2 mẫu xe được lắp ở đây là Sunny và X-trail.
Hiện tại, Tan Chong đã hết quyền phân phối xe Nissan ở Việt Nam. Thông tin đưa ra khá bất ngờ vài ngày trước mà đến nay chưa rõ lý do vì sao. Đứng ở phía Tan Chong, họ chẳng có gì lo lắng. Với thương hiệu Nissan, có không ít đối tác đang sẵn sàng tiếp quản lại quyền phân phối và đặc biệt là cơ sở sẵn có với nhà máy và hệ thống 22 đại lý trên toàn quốc. Nhất là hiện tại, theo thông tin bí mật, Nissan Motor đang đàm phán mua lại cả 74% cổ phần của NVL lẫn cơ sở sản xuất ở Đà Nẵng.
Về phía khách hàng, cũng không có nhiều điều phải lo lắng. Các đại lý cũng sẽ vẫn chăm chút cho người mua thôi. Thậm chí, nếu Nissan Motor vào thay Tan Chong, có khi các chính sách hậu mãi còn tốt hơn.
Lo lắng nhất lúc này là các đại lý. Lâu rồi mới có một mẫu xe Nissan mới để bán là Terra. Tuy nhiên, tiến độ chậm mấy tháng, lại ra mắt đúng lúc thông tin thay đổi nhà phân phối được công bố, sẽ rất khó để thuyết phục khách mua xuống tiền lúc này. Ai thích Terra lắm thì cũng sẽ trì hoãn lại dăm ba bữa.
Tiếp đến là các cán bộ công nhân viên của Nissan hiện tại. Với thông tin như này, chưa biết lương thưởng cuối năm sẽ ra sao. Chưa kể, các đại lý Infiniti, Subaru (đều thuộc Tan Chong) cũng bị ảnh hưởng nhiều dịp này.
Hy vọng, sự thay đổi này sẽ sớm mang lại nhiều điều tích cực. Cứ nhìn Mitsubishi Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây, khi thay đổi, họ thêm nhiều sản phẩm mới hơn, đẹp hơn, tốt hơn, giá cả cũng hợp lý hơn nhiều.
Chuyên gia ô tô Thành Lê - Diễn đàn OtoFun