Ngoài việc kết nối với thị trường quốc tế, Chính phủ mỗi nước cũng cần những chính sách riêng để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nội địa trong quá trình phát triển.
Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều có chính sách bảo hộ các doanh nghiệp nội địa của mình. Ví dụ như 'người láng giềng' Trung Quốc, những thương hiệu quốc tế muốn bán xe tại đây buộc phải liên kết với một doanh nghiệp nội địa tạo nên các liên doanh và các tập đoàn quốc tế chỉ được sở hữu không quá 50% cổ phần của liên doanh. Phải đến năm 2018, Chính phủ Bắc Kinh mới bắt đầu cho phép các công ty nước ngoài sở hữu hơn 50% cổ phần.
Ngoài ra, luật bảo hộ trí tuệ trong lĩnh vực ô tô tại Trung Quốc cũng không gắt gao như tại các thị trường khác. Bằng chứng là rất nhiều mẫu xe nội địa ngang nghiên 'nhái' trắng trợn nhiều mẫu xe quốc tế và đưa sản phẩm của mình tới trưng bày tại các triển lãm trong nước.
Đây chỉ là một vài ví dụ để thấy rằng các nước khác đều có các chính sách của riêng mình nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nội địa của họ. Đặc biệt, đối với những thị trường còn non trẻ và không có tiềm lực lớn thì càng cần sự bảo hộ từ phía Chính phủ.
Trong năm 2020 vừa qua, nhiều chính sách từ Chính phủ Việt Nam cũng có ảnh hưởng lớn thị trường ô tô trong nước. Có thể thấy phần lớn các chính sách đều mang 'hơi hướng' bảo hộ ngành sản xuất xe nội địa.
1. Giảm phí trước bạ cho dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết năm 2020
Theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 28/6, những mẫu xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được giảm 50% phí trước bạ từ Chính phủ.
Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, ngành công nghiệp ô tô rơi vào khủng hoảng, Chính phủ giảm phí trước bạ để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và cả các doanh nghiệp.
Nhờ chính sách này mà doanh số toàn thị trường đã có nhiều tăng trưởng, đặc biệt là sau khi sụt giảm vào tháng 4 khi Chính phủ phát lệnh giãn cách toàn xã hội.
Cụ thể, theo báo cáo VAMA, tháng 4/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 11.761 xe; bao gồm 7.796 xe du lịch, 3.652 xe thương mại và 313 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 40%; xe thương mại giảm 36% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 7.400 xe, giảm 38% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.361 xe, giảm 40% so với tháng trước.
Nhờ nhiều chính sách giảm phí trước bạ từ Chính phủ và các ưu đãi từ hãng và đại lý, sau đó doanh số toàn thị trường đã tăng trưởng trở lại.
Cũng theo báo cáo VAMA, toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ 239.004 xe các loại trong 11 tháng qua. Mặc dù con số này giảm 13% so với cùng kỳ năm trước nhưng giữa bối cảnh khủng hoảng vì dịch bệnh con số này cũng rất đáng khích lệ.
Bên cạnh doanh số của VAMA thì báo cáo doanh số của TC Motor cũng cho thấy doanh số cộng dồn 11 tháng qua khá tốt, đạt 68.062 xe các loại. Trong khi đó VinFast lại công bố doanh số của 18 tháng xuất hiện trên thị trường thay vì 11 tháng đầu năm 2020.
2. Nghị định 17/2020/NĐ-CP loại bỏ những thủ tục bất cập trong Nghị định 116/2018/NĐ-CP trước đó
Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 116, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/3/2020, lược bỏ bớt một số yêu cầu bất cập về thủ tục nhập khẩu ô tô. Cụ thể, bãi bỏ quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được quy định tại khoản 11 Điều 3 Nghị định 116 đối với ô tô nhập khẩu.
Đây cũng là loại giấy tờ khiến nhiều hãng xe gặp khó khăn trong việc xin nước sở tại (nơi sản xuất xe) cấp phép để xe có thể thông quan về Việt Nam. Việc loại bỏ loại giấy tờ này sẽ giúp nguồn cung xe nhập ổn định hơn hẳn so với thời gian trước đó.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô:
a, Loại bỏ quy định phải có đủ nhân lực, phương phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 116.
b, Loại bỏ quy định phải có người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 116.
c, Loại bỏ quy định phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 116.
3. Miễn thuế cho ô tô nhập khẩu từ EU từ ngày 1/8/2020 theo lộ trình
Đối với những dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ngoài ASEAN mức thuế nhập khẩu cũng sẽ được giảm từ từ theo.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 1/8/2020, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua, ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam sẽ giảm về 0% sau 9-10 năm nữa tùy vào từng loại.
Hiện tại, thuế nhập nhập ô tô từ EU vào Việt Nam là 70% giá trị khai báo hải quan. Bởi ô tô được liệt vào mặt hàng nhạy cảm cao nên có giá cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, theo quy ước trong EVFTA, trong 9-10 năm tới, Việt Nam sẽ dần xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU.
4. Miễn thuế nhập khẩu một số nguyên, vật liệu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/7/2020. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ còn 0%.
Tuy nhiên, để được hưởng chính sách này, ngoài việc đáp ứng một số điều kiện về thủ tục, giấy tờ chứng nhận mua bán, các doanh nghiệp còn phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở, thiết bị sản xuất, lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam,...
Ngoài ra, để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước phải đáp ứng tiêu chí về sản lượng chung cũng như sản lượng riêng tối thiểu theo quy định.