Ngày nay, tuy không còn hoạt động nữa những cái tên Citroen vẫn đang là một trong những thương hiệu ôtô quen thuộc với nhiều người.
A.G.Citroen và lịch sử Citroen
André Gustave Citroen sinh ngày 5/2/1878 tại Paris, cụ nội của André Gustave Citroen vốn là người xứ Amsterdam (Hà Lan).
Vốn là con nhà thợ kim hoàn, lại học bách khoa nên André Gustave Citroen tỏ ra rất khéo tay và thông minh với lĩnh vực cơ khí. André Gustave Citroen thấy rằng các bánh răng bằng gỗ tuy dễ làm nhưng rất chóng hỏng. Vì vậy ông đã tìm tòi nghĩ cách sản xuất bánh răng chuyên dụng từ kim loại và là người đầu tiên phát minh các loại bánh răng kim loại chuyên dụng. Ngay lập tức ông đăng ký bản quyền sáng chế và bắt đầu đi vào con đường sản xuất chế tạo hàng cơ khí.
Năm 1907, André Gustave Citroen đến với ngành sản xuất xe hơi khá tình cờ, thông qua người chú ruột, ông biết có một nhà máy chuyên sản xuất phụ tùng và động cơ ôtô bị phá sản. André Gustave Citroen đã quyết định dùng phần lớn tài sản được thừa kế để đầu tư vào nhà máy sản xuất cơ khí này. Sự nghiệp sản xuất và kinh doanh trong ngành công nghiệp xe hơi của André Gustave Citroen bắt đầu từ đó. Từ năm 1908, André Gustave Citroen trực tiếp làm Giám đốc công ty phụ tùng ôtô Mors này.
Năm 1924, công ty cơ khí ôtô Mors được chuyển đổi thành công ty cổ phần và André Gustave Citroen là người nắm giữ đa số cổ phần. Ông cũng là người trực tiếp điều hành sản xuất và kinh doanh của công ty. Bắt đầu từ đây là những năm hoàng kim của xe ôtô Citroen. Ông chủ André Gustave Citroen trở thành nổi danh trong giới công nghiệp ôtô châu Âu và thế giới.
Chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 1919 đến 1929, công ty xe hơi Citroen đã phát triển với một tốc độ chóng mặt. Mặt bằng sản xuất và lắp ráp của công ty đã tăng từ 198.000 m2 lên 850.000 m2. Số lượng nhân công tăng từ 4.000 lên hơn 32.000 người. Thay vì mỗi năm xuất xưởng vài nghìn xe thì 10 năm sau, năng lực sản xuất của Citroen đã là 102.891 chiếc. Và điều kỳ diệu là Citroen sản xuất xe nào là bán được ngay xe đó.
Cho đến đầu những năm 1930, Citroen đã bán được gần 1 triệu chiếc xe. Mặc dù vậy André Gustave Citroen còn cho rằng tiềm năng vẫn rất lớn. Ông chủ trương phải tăng cường marketing và quảng cáo để “đánh thức sự chú ý của cả 40 triệu người dân nước Pháp”.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu
Để quảng bá thương hiệu, André Gustave Citroen đặc biệt quan tâm đến hình ảnh của các chi nhánh, đại lý bán xe. Ông sử dụng kiến trúc sư nổi tiếng Georges Wyho chuyên thiết kế hình ảnh của các toà nhà chi nhánh, cửa hàng bán xe Citroen. Mỗi lần khai trương một Citroen – Automobilsalon, André Gustave Citroen đều coi đó là sự kiện quan trọng và là cơ hội để quảng bá thương hiệu thật rầm rộ. Ông còn xuất bản tờ tin riêng của hãng mang tên Le Citroen in thật đẹp và sang trọng để phát tặng cho khách đến thăm quan xe Citroen.
André Gustave Citroen cũng tự tạo ra các sự kiện, đã tổ chức Triển lãm xe Citroen năm 1931 trên khu đất rộng hơn 15.000 m2 giữa quảng trường Place de l’ Europa.André Gustave Citroen rất chú ý chăm sóc hệ thống đại lý bán hàng. Và ông có ý tưởng thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan xưởng sản xuất và xưởng lắp ráp xe Citroen dành cho đại lý và khách hàng ruột.
Đặc biệt, ông đã táo bạo sử dụng cả tháp Eiffel kỳ vĩ để phục vụ cho mục đích quảng cáo thương hiệu Citroen.
Vào một tối tháng 7 năm 1925 cả thành Paris đột nhiên sáng rực bởi ánh đèn từ tháp Eiffel với dòng chữ Citroen khổng lồ cao tới 25 m. André Gustave Citroen đã phải dùng tới gần 250.000 chiếc bóng đèn các màu, gần 600 km dây điện các loại. Tổng diện tích được chiếu sáng là khoảng 1.200 m2.
Từ đó trở đi cho tới năm 1936, Citroen vẫn thường xuyên sử dụng đèn trang trí tại tháp Eiffel để quảng cáo cho thương hiệu và các dòng xe mới ra của hãng. Năm 1989, kỷ niệm tháp Eiffel tròn 100 tuổi, người dân Paris và khách du lịch khắp mọi nơi trên thế giới lại có dịp xem lại hình ảnh thương hiệu Citroen được quảng cáo bằng đèn theo mẫu cũ trước kia của Gustave Citroen, người đã khai sinh ra nó.