Không ít quốc gia trên thế giới có những quy trình cấp bằng đầy khó khăn, thậm chí còn đắt đỏ. Các tài xế phải trải qua những bài học lý thuyết lẫn thực hành khó nhằn. Có những nơi quá trình này còn kéo dài nhiều tháng bởi học viên phải thực hành ở những điều kiện thời tiết khác nhau trong năm.
Tại Đức, có đến một phần ba thí sinh trượt bài thi viết ở lần thi đầu tiên và có ít nhất 4 bài thi thực hành lái.
Còn ở Phần Lan, tài xế cần tối thiểu 2 năm để sở hữu bằng lái xe đầy đủ. Học viên phải học cách xử lý trong trường hợp xe bị trượt trên đường trơn và lái xe vào ban đêm. Có tới 2 bài thi khác nhau, một vào mùa hè và một vào mùa đông. Sẽ cần khoảng 20 giờ học lý thuyết và 30 giờ thực hành.
Ở Canada, khóa học thực hành là bắt buộc với tất cả những ai muốn có bằng lái xe ở Quebec. Riêng thành phố Montreal có tỷ lệ trượt cao nhất tại Canada, với chỉ 61% học viên đỗ ở lần thi đầu tiên.
Singapore – một nước ngay gần Việt Nam cũng có các quy định lấy bằng lái ô tô “siêu khó”. Tỷ lệ đỗ bằng lái xe ở Singapore chỉ khoảng 60% cùng chi phí đắt đỏ. Đó là với những người theo học những chương trình dạy lái chính thức với nhiều giờ thực hành. Còn với số thí sinh không theo các chương trình đào tạo chính thức thì tỷ lệ đỗ chỉ là 33%. Một số người tin rằng bài thi được làm với độ khó mang tính quốc tế nhằm hạn chế số xe trên đường tại một quốc gia có mật độ dân số cao. Riêng bài thi lý thuyết có 50 câu hỏi và phải đúng ít nhất 45 câu.
Khó nhất vẫn là ở Nam Phi. Có cả một danh sách những điều khiến bài thi lái K53 ở Nam Phi không bao giờ được áp dụng với những nơi khác trên thế giới. Tài xế có thể mất điểm nếu không kiểm tra các lỗ thủng, khe hở phía dưới xe, và bị trừ điểm nếu không kéo phanh tay bất cứ khi nào dừng xe và phải kéo phanh một cách thật nhẹ nhàng. Thậm chí nếu xe lăn ngược chỉ chưa tới 3 cm cũng đủ để thí sinh tự động bị đánh trượt.