Tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao trong sản xuất ô tô
Thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam. Bước đầu hình thành nên Ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước.
Đánh giá về thực trạng ngành CNHT sản xuất ôtô Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết: "Những năm qua, mặc dù phát triển chậm nhưng CNHT ngành sản xuất ôtô Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng".
"Có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ôtô; trong đó, có 50 DN lắp ráp ôtô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô... Ở một số chủng loại xe thương mại như xe tải đến 7 tấn, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45 - 55%. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Mỹ…"
Theo ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội kỹ sư Ôtô Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Điều này đã tạo tiền đề cho ngành CNHT công nghiệp ôtô hình thành.
Tuy nhiên, thực tế, chúng ta mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: Gương, kính, ghế ngồi, bộ dây, điện, ắc quy, săm, lốp, sản phẩm nhựa…; chỉ một số ít DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và chưa sản xuất, lắp ráp được động cơ ôtô.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Đỗ Hữu Hào phân tích, so với các nước, quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn nhỏ, trong khi số lượng DN lắp ráp nhiều, nên không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế đối với việc thu hút DN đầu tư phát triển CNHT ngành này.
Các loại nguyên vật liệu cơ bản như: Thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; khả năng tài chính và công nghệ của DN trong nước hạn chế; chưa có các viện nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên ngành ôtô; lực lượng kỹ sư và công nhân lành nghề còn thiếu và yếu.
Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Nhiệm vụ lớn cần làm
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt ra mục tiêu cơ bản hình thành CNHT cho sản xuất ôtô vào năm 2020; sản xuất một số chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số xe tải, xe khách và bước đầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ôtô thế giới giai đoạn 2021-2025.
Đến năm 2035, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng trong nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô khu vực và thế giới; đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Để đạt những mục tiêu trên cũng như thúc đẩy ngành CNHT sản xuất ôtô phát triển, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, cần rà soát, xây dựng chiến lược phát triển CNHT thật tốt, bám sát với chuỗi giá trị sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN và sản xuất.
Trên cơ sở đó, có chính sách thu hút để DN có thể tham gia vào từng công đoạn của chuỗi, mức độ đóng góp của DN Việt Nam sẽ mạnh hơn. Mặt khác, tăng cường đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm mở rộng quy mô cho các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu về chất lượng, chi phí, giao hàng để bảo đảm khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.