Đây là quy định tại Thông tư 29/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thông tư nêu rõ mức hỗ trợ tối đa 100% được áp dụng cho các khoản chi phí: Tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; đánh giá và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Mức hỗ trợ tối đa 70% các khoản chi phí: Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước: Thuê mặt bằng và thiết kế, dàn dựng gian hàng; dịch vụ phục vụ… Mức hỗ trợ tối đa với nội dung này là 12 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.
Đối với tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài gồm thuê mặt bằng và thiết kế, dàn dựng gian hàng; trang trí chung của khu vực Việt Nam (bao gồm cả gian hàng quốc gia nếu có); chi phí tổ chức khai mạc (nếu là hội chợ triển lãm riêng của Việt Nam): Mức hỗ trợ tối đa với nội dung này là 150 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.
Chi tổ chức đoàn giao dịch, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài: Mức hỗ trợ tối đa với nội dung này là 28 triệu đồng/01 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực Châu Á; 42 triệu đồng/01 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực: Châu Âu, Châu Phi, Châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Á; 70 triệu đồng/01 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực Trung Mỹ, Mỹ La Tinh.
Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/thương hiệu.
Trường hợp tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác: Mức hỗ trợ tối đa với nội dung này là 70 triệu đồng/1 chuyên đề tuyên truyền...