“Sức” Honda quá mạnh
Việt Nam là thị trường xe máy phổ thông lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Trong một vùng đất đầy tiềm năng, Honda nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã chiếm thế thượng phong.
5 năm trước, năm 2012, Honda Việt Nam báo doanh số 1,9 triệu xe. Như vậy chỉ tính riêng các hãng xe máy có vốn FDI, Honda chiếm khoảng 65% thị phần. Ngay phía sau là Yamaha với 25%. 10% còn lại dành cho một loạt các thương hiệu như Suzuki, SYM, Piaggio.
Về độ phủ, Honda có tới 640 đại lý ủy quyền (HEAD) trên toàn quốc. Trong khi Yamaha tính cả các cơ sở sửa chữa là 540. SYM có khoảng 310, Suzuki gần 120 và Piaggio là 90.
Đó là con số của 5 năm trước. Hiện tại, Honda vẫn tiếp tục giữ vững "phong độ" qua từng năm, thị phần mỗi năm lại tăng cao hơn năm trước đó.
Ví như năm ngoái (2018), Honda đã chiếm 75,9% của tổng doanh số thị trường xe máy Việt Nam, với mức tăng 4,2%. Như vậy, 4 hãng xe còn lại (Yamaha, Suzuki, SYM, Piaggio) đã bị thu hẹp thị phần chỉ còn 24,1%.
Với chênh lệch lớn về quy mô, dễ hiểu là cuộc chiến trên thị trường gần như chỉ nằm ở câu hỏi "làm thế nào để chiếm thị phần của Honda?". Sau nhiều năm miệt mài đánh trực diện, các hãng đang dịch chuyển dần sang đánh vào những phân khúc ngách, nơi Honda chưa kịp phủ kín. Như Suzuki cố “vùng vẫy” ở các dòng xe côn tay thể thao, SYM đẩy mạnh xe 50cc… Nhưng tất cả dường như chưa cần Honda “đánh” đã tự thua.
Chỉ còn là “cuộc chiến tay đôi”
Thị trường xe máy Việt Nam, đến cả chục năm nay, thực ra chỉ còn là “cuộc chiến” giữa 2 “ông lớn” Honda và Yamaha. Suzuki, SYM, Piaggio hay Kymco xét về cả doanh số, thị phần lẫn thương hiệu… đều “không đủ tuổi” ngồi chung mâm với 2 hãng xe Nhật Bản nói trên.
Vì thế, chúng ta hãy tạm gạt họ sang một bên, và nói về cuộc chiến tay đôi giữa Honda và Yamaha.
Cả ở thị trường xe tay ga và xe số, Honda và Yamaha đều cạnh tranh quyết liệt và có những hành động "ăn miếng, trả miếng" với đối thủ suốt cả chục năm trở lại đây. Cuộc chiến này không chỉ thể ở việc tung ra các sản phẩm đối đầu nhau, mà còn là cuộc “chạy đua” về công nghệ. Hãy nhớ về cuộc đua xe “lai” giữa Lexam và Wave RSX AT, cuộc đua giữa những chiếc xe phun xăng điện tử FI…
Xét về danh mục sản phẩm, ở phân khúc xe số phổ thông, Honda Wave và Yamaha Sirius ở thế "kẻ tám lạng, người nửa cân". Đây cũng là 2 mẫu xe số bán chạy nhất Việt Nam qua nhiều năm.
Trên một bậc, ở phân khúc xe số cao cấp, Honda Future và Yamaha Jupiter được coi là cặp đôi kỳ phùng địch thủ. Cả 2 mẫu xe đều có kiểu dáng khỏe khoắn, thể thao và phù hợp với phái mạnh.
Ở thị trường xe ga, dù Yamaha đi trước Honda một bước nhưng nhờ biết đón đầu xu hướng và đánh đúng nhu cầu của người tiêu dùng, Honda đã phát triển không ngừng, thậm chí có phần lấn lướt người đồng hương ở một số phân khúc. Yamaha có Nouvo, Nozza, Acruzo, Grande thì Honda có Air Blade, Vision, Lead, SH Mode. Riêng ở phân khúc xe tay ga cao cấp, hiện nay Yamaha vẫn chưa có sản phẩm nào cạnh tranh được với Honda.
Ở phân khúc xe côn tay phổ thông, khi mẫu xe côn tay 150 phân khối Exciter của Yamaha gây sốt trên thị trường, Honda quyết định "tham chiến" với sản phẩm Winner 150. Tuy nhiên, Winner khó mà “ăn” được Exciter về doanh số. Chiếc xe của Honda có giá đắt hơn, kiểu dáng xấu hơn. Đó là lý do Exciter vẫn cứ “làm mưa, làm gió” ở phân khúc này. Và đây cũng chính là địa hạt duy nhất mà Honda phải “nhường sân” cho Yamaha.
Tại sao thấy Yamaha Exciter giành thắng lợi đã ngót chục năm nay mà Honda đến thời điểm hiện tại mới tung ra Winner X? Phải chăng Honda lại sử dụng chiến lược bấy lâu nay, im lặng chờ đợi những "đứa con" mới ra đời của các hãng dần trưởng thành, xem xét mạnh yếu rồi mới “ra đòn”!?
Nếu Winner X đủ sức cạnh tranh với Exciter, Yamaha sẽ không còn “đất riêng”, sẽ bị chặn ở mọi lối. Đây sẽ là “cú đấm” mang tính quyết định, không mạnh, không phải “cú đấm sở trường”, nhưng vẫn đủ khiến một đối thủ đang “xuống sức” như Yamaha phải lui sâu vào góc sàn đấu.