SsangYong Motor cho biết họ đã đệ đơn lên tòa án sau khi không thể đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian trả khoản vay với các ngân hàng nước ngoài. Được biết, SsangYong nợ Bank of America khoảng 30 tỷ won (629 tỷ đồng), JP Morgan Chase 20 tỷ won (419 tỷ đồng) và BNP Paribas 10 tỷ won (210 tỷ đồng).
Trong tuần trước, Mahindra & Mahindra - công ty nắm giữ 74,65% cổ phần của SsangYong cho biết tổng số tiền sẽ phải trả vào ngày 14/12. Tập đoàn sản xuất ô tô Ấn Độ đã cứu SsangYong khỏi vỡ nợ bằng một thỏa thuận vào năm 2010, nhưng không thành công trong việc xoay chuyển tình thế. Trước đó, Mahindra & Mahindra cho biết sẽ bơm 423 triệu USD vào SsangYong để tạo ra lợi nhuận vào năm 2022, nhưng dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến kế hoạch bị phá sản.
Tháng 4/2020, Mahindra cho biết họ sẽ không tiếp tục đầu tư vào SsangYong và đã yêu cầu thương hiệu Hàn Quốc tìm kiếm nhà tài trợ khác. Đến tháng 6, tập đoàn Ấn Độ cho biết sẵn sàng từ bỏ quyền sở hữu tại SsangYong và đang tìm người mua lại số cổ phần này.
Doanh số của hãng xe Hàn đang giảm dần. Tính tổng từ tháng 1-11/2020, SsangYong chỉ bán được 96.825 xe, ít hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong hồ sơ xin phá sản, SsangYong cho biết họ đã đăng kí chương trình hỗ trợ tái cơ cấu tự chủ và có 3 tháng để thương lượng với các bên liên quan, bao gồm cả chủ nợ, để giải quyết các vấn đề.
Vào đầu năm 2020, SsangYong đã lên kế hoạch bắt đầu bán phiên bản chạy điện của mẫu SUV Korando tại châu Âu. Dự kiến, mẫu xe mới sẽ được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Geneva 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng nổ đã khiến triển lãm bị hủy bỏ ngay phút chót.