Câu chuyện "người dẫn đường cho xe cộ"
Bị nhấn và bóp vô tội vạ, nên tiếng ồn do còi xe khiến nhiều người khó chịu. Hệ quả là nhiều chính quyền đã ra những đạo luật hạn chế sử dụng còi xe trong phạm vi thành phố, nơi đông người. Nhưng, từ xa xưa, không có tiếng còi là cả một vần đề lớn.
Hãy tưởng tượng bạn đang lái một chiếc xe trên con phố đông người qua lại, phía trước xe là một người vừa thổi còi, vừa phất lá cờ nhằm cảnh báo cho mọi người biết có xe cộ đang lưu thông trên đường. Việc này thực ra rất tốn công sức lại mất thời gian bởi những chiếc xe chỉ có thể di chuyển với tốc độ như người đi bộ.
Còi xe ra đời từ đó.
Không khó để nhận ra tiếng còi phát ra từ chiếc xe sẽ an toàn và hiệu quả hơn nhiều lần so với việc sử dụng một "người dẫn đường". Các tài xế và những nhà sản xuất xe hơi bất đầu công cuộc phát minh thiết bị cảnh báo trên xe hơi mang tên còi xe.
"Nhấn còi khi lái, thoải mái đường đi"
Ban đầu, vào cuối thế kỷ 19, hầu hết xe hơi đều sử dụng chuông và còi thổi giống như các loại xe thô sơ như xe ngựa vẫn hay dùng.
Những năm đầu thế kỉ 20, chiếc còi ống bầu đầu tiên đã được giới thiệu tại Pháp và nhanh chóng lan rộng tại Mỹ. Âm thanh của loại còi này êm ái và dễ chịu hơn âm của chiếc chuông.
Đến năm 1910, nhiều lái xe mong muốn có một thiết bị cảnh báo hiệu quả hơn: một chiếc còi vang xa ít nhất là 1/8 dặm. Các nhà sản xuất đua nhau ra đời hàng loạt kiểu còi mới, một số trong đó còn được chạy bẳng khí xả.
Chiếc còi Sireno đã được phát minh ra. Sireno lấy nghĩa từ "siren" có nghĩa là người cá, sinh vật trong thần thoại Hy Lạp thường dùng tiếng hát của mình để quyến rũ các thủy thủ rồi tiêu diệt họ. Đây là chiếc còi đã từng được quảng cáo có độ vang xa đến một dặm.
Một chiếc còi khác có tên gọi là Godin cũng được ra mắt thời điểm đó với một câu khẩu hiệu hùng hồn: "Nhấn còi khi lái, thoải mái đường đi".
Sau đó, một trong những chiếc còi xe nổi tiếng nhất từ năm 1910 đến năm 1920 là Gabriel, một biến thể của còi khí xả, được đặt theo tên của vị thần thổi chiếc kèn ống.
Còi Gabriel cho nhiều âm sắc khác nhau. Âm thanh phát ra chắc, mạnh nhưng lại khá dễ chịu cho người nghe. Thực tế, chiếc còi này đã trở nên rất phổ biến và mọi người đều muốn sắm cho chiếc xe của mình một cái.
Phát minh tiếng còi xe theo nốt nhạc
Những bước tiếp theo trong việc cải tiến chiếc còi đã dần định hình ra một chiếc còi xe cơ bản giống như ngày nay.
Miller Rees Hutchinson, một nhà phát minh trẻ, người sau này là cộng sự của Thomas Edison bắt đầu làm việc để cải tiến trên những chiếc còi hiện có.
Sáng chế của ông, được biết với tên gọi còi Klaxon, có thể được vận hành bằng một tay cầm nhỏ hoặc bằng pin và phát ra âm thanh theo một hướng, lớn và rõ ràng. Năm 1908, với sự ưa chuộng từ mọi người, Klaxon bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn.
Năm 1910, thêm một bước tiến với còi Klaxon, Oliver Lucas, nhà khoa học người Anh đã phát triển còi xe hoạt động trên một công tắc tắt/bật khiến thao tác sử dụng trở nên dễ dàng hơn. Nó là nền tảng cho sự phát triển của còi xe như ngày hôm nay.
Càng về sau, tiếng còi càng được cải tiến để trở nên dễ nghe hơn, trong đó có sử dụng màn chắn và khoang âm. Nhiều nghiên cứu cũng như các thiết kế mới đã được ứng dụng trong sản xuất còi xe nhằm tạo ra tiếng còi dễ chịu nhất nhưng vẫn đủ vang trên các tuyến giao thông ồn ào.
Mãi đến giữa thập kỉ 60, chiếc còi xe kiểu Mỹ mới được điều chỉnh để tạo ra âm theo nốt Mi bằng hoặc Đô. Kể từ đó, nhiều nhà sản xuất tiếp tục cải thiện âm cho còi xe và nâng nó lên thành nốt Fa sắc hoặc La sắc.