Hãng xe chưa tôn trọng người dùng?
Được nhắc đến với những “cơn bão” giảm giá, được định dạng bằng các chiến lược lớn nhỏ về công nghiệp hóa ngành xe hơi, song về bản chất, thị trường xe hơi Việt Nam là một thị trường khập khiễng, quy mô nhỏ so với số dân.
Lấy con số gần 400.000 xe bán ra trong năm 2019 làm mốc so sánh, thẳng thắn mà nói thì các hãng xe lắp ráp có lý do để chần chừ đầu tư cho mục đích nội địa hóa linh kiện, bởi doanh số quá nhỏ nếu so với khoảng 1 triệu xe bán ra mỗi năm tại Indonesia.
Sự chần chừ này được cổ vũ nhờ chính sách hai chiều của cơ quan quản lý, khi vừa hô hào xây dựng nền công nghiệp xe hơi, vừa tung ra các chế tài khiến người tiêu dùng khó tiếp cận hoặc ngại ngùng bỏ tiền mua xe.
Hậu quả là các hãng sản xuất, phân phối xe hơi cảm thấy chưa cần phải tôn trọng đúng mức với khách hàng tiềm năng của mình, kể cả khi đã liên tục giảm giá bán dưới các chiêu bài ưu đãi, quà tặng cho người mua.
Sự thiếu tôn trọng khách hàng của các hãng xe trong hơn hai thập kỷ qua hẳn đã trở thành “thâm căn cố đế” mà bằng chứng là những chiếc xe hơi bán ra thị trường bất kể xe nhập khẩu hay lắp ráp đều là xe bị cắt xén tối đa các tính năng (còn gọi là option). Rất nhiều option trong số đó thuộc hạng mục an toàn — tiêu chí bắt buộc phải có nếu muốn chiếc xe được bán tại các thị trường lớn.
Bởi vậy, người tiêu dùng hiện nay ngoài việc có đủ tiền để mua xe thương hiệu "xịn", còn trang bị thêm nhiều kiến thức để không dễ mủi lòng trước một chiếc xe có vẻ ngoài đẹp đẽ, được bán giá tốt nhưng lại thiếu quá nhiều option.
Cắt option là điều đương nhiên?
Một chiếc xe ở Việt Nam hiện nay có giá thành đắt gấp đôi, gấp 3 mức giá trung bình trên thế giới. Điều đó khiến ô tô trở nên quá tầm tay của số đông người Việt.
Thuế giữ nguyên, chi phí nhân công cao hơn, muốn hạ giá xe chỉ còn cách lược bỏ bớt option. Đây là cách mà một số liên doanh Nhật Bản đã thực hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Người tiêu dùng đã quá quen với việc những mẫu xe “hot” như Honda Civic, Honda CR-V, Toyota Altis, Toyota Vios năm nào cũng có bản nâng cấp mới tại Việt Nam, nhưng bản nâng cấp nào cũng “thiếu” quá nhiều option so với các mẫu xe toàn cầu.
Sau xe Nhật là xe Hàn. Các nhà phân phối xe Hyundai, Kia thực hiện đúng “bài” của Suzuki, Honda hay Toyota. Rồi sau xe Hàn, một thương hiệu xe sang đến từ Đức như Mercedes-Benz cũng thực hiện “bước đi” tương tự. Hãng này 2 năm trước bị khách hàng phàn nàn vì đã cắt đi nhiều trang bị trên GLC 200. Năm nay thì người dùng đang kêu GLS 450 bị bớt đi nhiều option khiến nó khác xa bản toàn cầu.
Trả lời câu hỏi “Vì sao xe ở Việt Nam lại bị cắt đi nhiều option so với bản toàn cầu?”, chuyên gia sản phẩm của một hãng xe cho rằng: "Có 2 lý do, một là, nhà phân phối sẽ lược bớt những tính năng không phù hợp với nhu cầu, đường xá tại Việt Nam. Nếu nó “thừa thãi” mà khiến giá xe tăng lên thì lược đi là hợp lý. Hai là, lược option để giảm giá thành xe, khiến nhiều người tiếp cận được hơn. Người tiêu dùng Việt tham ở chỗ là họ muốn có một chiếc xe đầy đủ option nhưng giá phải rẻ cơ. Không thể có chuyện đó”.