Giải pháp tạm thời và tự bạn có thể làm được mà không cần đến thợ sửa xe là nên lau bu-gi và xả nước trong ống pô.
Khi dắt xe đến chỗ khô, việc làm đầu tiên là tháo bu-gi lau thật khô rồi lắp trở lại. Khóa xăng và xả hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí.
Đó là cách xử lý nhanh, để đảm bảo không nguy hại đến động cơ, bạn cần yêu cầu thợ làm các bước tiếp theo tại cửa hàng sửa xe máy.
Đầu tiên là xả toàn bộ dầu trong khoang máy, vệ sinh khoang máy bằng loại dầu nhớt chuyên dụng. Thay dầu mới để đảm bảo không còn một chút nước nào còn xót lại trong khoang máy.
Bạn cũng nên yêu cầu sấy khô và làm sạch các đầu mối trong hệ thống điện. Các tạp chất trong nước ngập thường rất nhiều và thường bám vào các mối tiếp xúc trong hệ thống điện, do vậy, nếu không làm sạch sẽ dẫn đến các mối nối bị ăn mòn hoặc ôxy hóa trong quá trình sử dụng.
Lưu ý thợ làm khô hệ thống phanh của xe để giảm thiểu khả năng bị chai má phanh. Sử dụng mỡ hoặc dầu máy để tẩy sạch tạp chất dính trên xích, chân phanh và cần khởi động.
Đối với những chiếc xe tay ga bị chết máy do ngập nước, người lái không nên cố khởi động lại xe, có thể làm cho xe hư hỏng nặng thêm. Việc nên làm là dắt xe ra khỏi vùng ngập nước và tìm đại lý sửa xe gần nhất để được sửa chữa, bởi khi xe ngập nước chết máy, việc khởi động lại xe sẽ khiến nước len lỏi sâu hơn vào bên trong động cơ, gây hiện tượng ăn mòn về sau.
Cách đi xe máy qua đường ngập
Đối với xe số: Khi chạy xe qua những đoạn đường ngập lụt, nên đi số thấp (số 1 hoặc số 2) và giữ đều ga, để có thể an toàn qua vùng ngập. Việc giữ đều ga làm cho nước khó có thể thâm nhập vào được ống xả do hơi đẩy ra ngoài.
Đối với xe côn tay: Chạy số thấp nhất có thể và đều ga nhưng bạn đừng bao giờ nhả hết côn trong những đoạn đường ngập lụt.
Đối với xe ga: Chạy từ tốn và đều ga, không nhồi ga, nên hạn chế chạy những nơi nước ngập sâu qua ống pô xe. Nếu buộc phải chạy xe qua đoạn đường đó, dù không bị chết máy, bạn cũng nên đem xe đi kiểm tra xem nhớt láp có bị nước lọt vào hay không và vệ sinh bộ nồi cho xe.