Thực tế, bên Tây Âu đưa ra cách xếp hạng xe theo A, B, C. Mỹ tưởng là thô thiển hơn, mắt thấy sao mồm nói vậy nên chia thành các hạng: Subcompact, Compact, Large... Tuy thế, mỗi một hạng này được gắn với một độ rộng khác nhau về không gian trong xe. Rồi còn có kiểu phân loại theo trọng lượng, hay xe sang thì phân nó lại khác với xe thường.
Trong bài này chỉ đề cập tới cách phân loại mà chúng ta quen nhất, là theo cách của châu Âu. Trước đây đọc báo Tây hay thấy nói C-Segment hay B-Segment (phân khúc xe hạng C hay B) thì chính là nó đấy.
Từ thực tế thị trường, xe châu Âu được phân loại dựa trên chiều dài thành mấy hạng phổ biến như sau. A là các xe hạng nhỏ nhất, cỡ Fiat 500 hay quen thuộc hơn là con Matiz. Các xe này dài không quá 3,7m. Ở ta hiện nay phổ biến nhất, theo lượng bán hàng, là i10, Morning và Fadil. Xe này Tây họ còn gọi là City car.
Lớn hơn A thì là B, là xe dài từ hơn 3,7m đến không quá 4m. Cũng như hạng A, các xe hạng B đa phần đến từ những tên tuổi kém sang như VW Polo, Renault C3, Fiat Punto, Ford Fiesta, Peugeot 206... Các tên tuổi khác hầu như không nghe đến hay “chết” từ đời nào thì vô thiên lủng: Lancia Yipsilon, Seat Ibiza, Dacia Logan, Opel Corsa, Skoda Rapid... Lưu ý là ở đây chỉ kể đến các xe được sản xuất loanh quanh từ những năm 80-90 đến đầu những năm 2000. Từ sau giai đoạn này sự thay đổi trở nên rắc rối hơn sẽ đề cập phía dưới.
Hạng C như thế nằm ở quãng trên 4m đến 4,5m. Ta có Focus, Golf, chiếc xe lừng lẫy Corolla, rồi Civic, Lancer. Tại sao lúc này mới thấy xe Nhật? Đơn giản vì mấy anh Nhật đi tắt đón đầu nên những chiếc xe đầu tiên của các anh là ở cỡ trung như Camry, sau đó mới theo nhu cầu thị trường mà làm ra những sản phẩm khác. Hạng này trước đây đông đảo quần hùng nhất, và vinh dự thay, Corolla đã trở thành chiếc xe bán chạy nhất mọi thời đại. Kỷ lục đứng vững 2 thập kỷ nay.
Hạng D, loanh quanh từ trên C cho tới 4,7m. Hạng E được coi là các xe tiếp theo, có chiều dài cỡ trên dưới 4,8m. Trên đó là hạng F. Hạng F này rất ít hãng làm, nên thường được mặc định là xe luxury, như S-Class, A8 hay 7-Series. Các xe này còn gọi là full size luxury, hòng phân biệt với xe compact luxury hay entry-level luxury như A4 hay C-Class.
Ngoài ra, ở Mỹ, dân khoái xe to nên nhiều hãng cũng làm sedan kích thước cỡ bự kiểu Toyota Avalon. Thực ra đây là chiếc Camry kéo dài mà thôi.
Ngoài các hạng nói trên, còn có hạng J, là để chỉ các xe SUV. Để phân biệt SUV to và nhỏ, người ta lại chia thành các loại: hạng nhỏ (small/compact), trung (mid-size), lớn và hạng sang. Rồi hạng M là các xe đa dụng MPV (multi-purpose), hạng S là xe thể thao, hay G chỉ mấy cái xe siêu xe, cỡ Ferrari, Lamborghini.
Chưa hết, còn có những cái xe độc đáo như Isetta của BMW hay “kei-car” của Nhật không biết xếp vào đâu cho hợp lý. Hay Smart forTwo, chẳng lẽ gọi là -A.
Cách phân loại kể trên đã có từ lâu và nó khá chuẩn chỉ cho đến khoảng những năm đầu 2000. Thực tế thị trường đã làm việc cách phân loại này không còn nhiều ý nghĩa. Corolla thế hệ mới nhất dài 4.540mm, tức là về lý phải xếp ở hạng D, nhưng ai mà nói thế chắc dân mạng lại chửi cho sấp mặt. Hay chiếc i10 sedan dài tới 3.995mm, xếp nó ở đâu giờ? Ai mà nghĩ được là mấy cái xe mini này mà anh Hyundai lại làm thành bản sedan mà lại bán ngon lành được chứ.
Việc phân hạng xe không phải để chơi, mà có mấy mục đích: tính toán lượng tiêu thụ, khí xả, tính khả năng chuyên chở, độ an toàn, áp thuế...
Nhưng phân hạng có ý nghĩa nhiều hơn ở góc độ quản lý hay đối với nhà sản xuất. Người dùng mà bám vào câu chữ cãi nhau mà thì khá là nực cười. Sa đà vào đó cũng chẳng khác chuyện mua xe có phải yêu nước hay không. Cái cần quan tâm, đó là làm sao có đủ tiền mua xe, xe đúng nhu cầu chưa, chất lượng và dịch vụ thế nào. Những cái khác, có hay không, không quan trọng.