Được biết, tiêu chuẩn được coi là Made in USA của Mỹ quy định một hàng hoá phải có toàn bộ hay hầu hết các thành phần chính được làm ở Mỹ và khâu hoàn thiện cuối trong biên giới nước này.
Nhật là 60% giá trị sản phẩm và khâu lắp ráp cuối cùng ở Nhật. Thuỵ Sỹ là 65% và khâu lắp ráp cuối cùng ở Thuỵ Sỹ. Ý: tận 100% và khâu lắp ráp cuối cùng dĩ nhiên phải ở Ý, đúng là những người kiêu ngạo.
Thế nhưng, tiêu chuẩn Made in USA rất chặt chẽ vẫn có 4 ngoại lệ: vải dệt, len, da và ô tô. Không có ô tô đề Made in USA. Theo một đạo luật gọi là American Automobile Labeling Act vào 1994, các xe ô tô sản xuất tại Mỹ xong phải dán một cái nhãn, trong đó kê: Tỷ lệ linh kiện làm tại Mỹ/Canada và nơi sản xuất cái hộp số. Chưa hết, cứ linh kiện nào mà có từ 70% chi tiết làm tại Mỹ/Canada thì đã được coi là có nguồn gốc ở đây.
Chuyện xe “made” ở đâu thực ra không được quan tâm nhiều lắm khi trong khoảng 2 thập kỷ trước các hãng xe từ Âu đến Nhật ồ ạt sang Mỹ làm nhà máy, còn chính bản thân những xe Mỹ như GM hay Ford lại rất chịu khó đầu tư sang các nước khác, ví dụ Thái Lan, cho nó rẻ. Cho tới tận khi ông Trump “lên ngôi” và đào xới về chuyện này. Ngành ô tô Mỹ xảy ra tranh cãi kịch liệt khi không biết một ông Ford với tỷ lệ khoảng 40% sản xuất ở Mỹ có được coi là Mỹ hơn một chiếc Honda có tỷ lệ nêu trên khoảng 60%. Năm 2019, Jeep Cherokee được coi là xe Mỹ nhất với tỷ lệ 72%. Nhưng đứng thứ hai và thứ ba là Honda Odyssey và Honda Ridgeline.
Made in USA thực ra là chiêu bài chính trị của ông Trump. Chiêu này vẫn hiệu quả ở Mỹ và càng hiệu quả ở Việt Nam. Một lý do nữa, Made in Vietnam là điều kiện cần để đáp ứng các FTA. Cách xây dựng chuẩn Made in Vietnam dễ nhất là xem khách hàng đòi hỏi cái gì thì mình làm đúng như thế. Các mặt hàng khác không biết, với ô tô thì rất rõ.
Trong nội khối ASEAN, cứ xe nào được coi là có 40% hàm lượng nội địa hoá thì tức khắc miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Năm ngoái, Toyota đã lập kế hoạch nâng sản lượng xe ở Việt Nam lên 90.000 chiếc vào 2023. Mới đây, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup, khẳng định tỷ lệ nội địa hoá hiện tại trong việc sản xuất ô tô của VinFast là hơn 20%, trong thời gian tới, tỷ lệ này sẽ tăng lên 60%.
Mục tiêu ASEAN cũng là cái mà Hyundai Thành Công và THACO đang hướng tới. Nếu cạnh tranh sòng phẳng trong khu vực được, không chừng các anh còn có cơ hội “bị” người Âu, Mỹ xét duyệt tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng nên. Chúc các anh bước nhanh tới ngày đó.