Cùng tìm hiểu một số sự thật thú vị về một trong những “ông lớn” của làng công nghiệp ô tô thế giới qua bài viết dưới đây.
Từ một xưởng dệt vải nhỏ Nhật Bản tới Tập đoàn đa quốc gia
Toyota có lẽ không chỉ là một cái tên quen thuộc trong danh sách những mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam mà còn là nhãn hiệu “sừng sỏ” trong danh sách những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay. Đặt trụ sở chính tại Toyota City, Aichi, Nhật Bản, hãng xe danh tiếng này là công ty xe hơi đầu tiên sản xuất được 10 triệu xe 1 năm.
Sakachi Toyoda, người sáng lập nên hãng Toyota, ra đời trong một gia đình thợ mộc nghèo. Ông lớn lên và theo học nghề của cha, trở thành một thợ mộc với chuyên môn là đóng các máy dệt bằng gỗ.
Chỉ là một anh thợ mộc khéo tay, không hiểu biết nhiều về kỹ thuật máy móc nhưng Sakichi Toyoda vẫn cứ kiên trì mày mò thử nghiệm và đam mê sáng tạo. Ông được coi là “Vua của các nhà phát minh Nhật Bản” với hàng loạt các phát minh như chiếc máy dệt kỹ thuật mới giảm công sức lao động và tăng năng suất lên nhiều lần (được ra đời năm 1891 hoặc chiếc khung cửi tự động chạy bằng điện.
Con trai ông, Kiichiro Toyoda, được cha cho theo học ngành cơ khí chế tạo máy tại trường đại học Tokioter và hai cha con cùng nhau nghiên cứu, chế tạo ra một chiếc máy dệt tự động vào năm 1924, loại có giá thành chế tạo rẻ hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn những chiếc máy bằng gỗ cùng loại.
Năm 1929, khi nhận thấy ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển, ông khuyến khích con trai sang Anh quốc và bán bằng sáng chế chiếc máy dệt của mình cho công ty Platt Brothers để lấy 100.000 bảng Anh. Với số tiền này, ông đầu tư vào việc chế tạo và sản xuất ô tô.
Năm 1934, Kichiro Toyoda, lúc này đã thay cha điều hành công ty Toyoda đã công bố chiếc xe ô tô đầu tiên, mở đường cho kỷ nguyên huy hoàng của tập đoàn Toyota sau này.
Tái sinh và khẳng định vị thế
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, sự bất ổn vẫn tiếp diễn và các chính sách kiềm chế lạm phát của chính phủ đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Thời điểm này, Toyota cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải gồng mình để vượt qua khủng hoảng tài chính.
Tháng 6/1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra khiến nhu cầu mua hàng hoá phục vụ chiến tranh càng lớn. Toyota nhận được rất nhiều đơn đặt hàng sản xuất các loại xe tải giúp sản lượng tại thời điểm đó đạt mức cao kỷ lục. Tất cả lợi nhuận được dùng để tái đầu tư vào trang thiết bị và củng cố hệ thống sản xuất. Nhờ đó, Toyota dần vượt qua khủng hoảng và bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Trong 5 năm, đã có 215 chiếc SA Toyopet được sản xuất. Mẫu SD, một phiên bản cho xe taxi, có lẽ đạt được nhiều thành công hơn khi có 194 chiếc được sản xuất trong 2 năm. Mẫu SF Toyopet là chiếc ôtô thật sự phổ biến đầu tiên của Toyota với động cơ được cải tiến và có thêm phiên bản cho xe taxi. Mẫu RH với động cơ 48 mã lực được ra đời ngay sau đó. Ngoài những mẫu xe này, Toyota còn bắt đầu sản xuất một mẫu xe tải cho dân thường với tên gọi Land Cruiser.
Khởi đầu cho quá trình vươn ra thế giới của Toyota bắt đầu từ năm 1958, hãng đã xuất khẩu chiếc Land Cruiser và Toyopet sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên lợi nhuận thu về thì không mấy khả quan. Năm 1959, Toyota mở nhà máy tại Bra-xin. Đây là nhà máy đầu tiên của hãng ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Đặt dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử của hãng tại thị trường Mỹ là chiếc Crown phiên bản wagon và sedan. Sau đó, Toyota xuất sang Mỹ nhiều mẫu xe thể thao, xe hạng trung và dòng picup. Cho dù kiểu dáng không bắt mắt bằng những mẫu xe Mỹ nhưng chất lượng và độ an toàn đã dần chinh phục người tiêu dùng Mỹ, nơi có nền công nghiệp xe hơi lâu đời và phát triển nhất thế giới.
Ý nghĩa về tên thương hiệu và biểu tượng Toyota
Cái tên “Toyota” phát âm không rõ như Toyoda, nhưng có vẻ như thích hợp hơn đối với tâm lý quảng cáo. Hơn nữa, chữ Toyota (トヨタ) chỉ có 8 nét so với 10 nét của Toyoda (トヨダ). Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, con số 8 mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng. Trong khi đó, số 10 là một số tròn trĩnh, không còn chỗ cho sự phát triển. Thương hiệu Toyota ra đời từ đó và tháng 4/1937, Toyota chính thức được đăng ký bản quyền thương mại.
Biểu tượng của Toyota vốn rất quen thuộc với người dùng Việt Nam. Logo ngày nay mà Toyota sử dụng ra đời từ năm 1990. Nó gồm 3 hình ê-líp lồng vào nhau và được sắp xếp theo 3 hướng khác nhau, tượng trưng cho 3 trái tim và mang ý nghĩa: thể hiện sự quan tâm với khách hàng, tượng trưng cho chất lượng sản phẩm và những nỗ lực phát triển khoa học công nghệ.
Nhờ khoa học công nghệ phát triển, cùng với đó là xu hướng sử dụng xe hơi ngày càng tinh tế và tiết kiệm nhiên liệu, các kỹ sư của Toyota đã không ngừng nghiên cứu để ra đời những “đời con” tinh thần có giá trị nhất. Trong đó phải kể đến những chiếc xe danh giá hiện nay như Toyota Camry, Innova đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam.