Sau khi có thông tin về quy định cấm xe máy tại Hà Nội, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều độc giả chia sẻ, trong đó có bài viết "Phương tiện công cộng không thể thay thế xe máy tại Việt Nam" do độc giả Tuấn Anh chia sẻ. Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta cần thay đổi tư duy từ cách suy nghĩ và hành động. Trong thời đại phát triển này, để kịp hội nhập với nền kinh tế phát triển vô cùng thần tốc trên thế giới.
Xét về mặt kinh tế, trong kinh doanh có nguyên tắc 30-70, người kinh doanh sẽ tập trung mạnh vào 30% khách hàng mang lại cho họ nguồn doanh thu chính yếu thay vì tập trung phát triển vào 70% khách hàng mang lại cho họ doanh thu ít ỏi. Quay ngược lại với mô hình kinh doanh bằng xe máy, có thể thấy rất rõ ràng đây không phải là một cấu trúc kinh tế đại diện cho một nền kinh tế của một quốc gia, mô hình này có thể gọi là tạm bợ không giúp cho tỷ lệ GDP bình quân của quốc gia đó tăng lên mà ngược lại, nó có thể kéo một nền kinh tế đi xuống.
Quy định mới chắc chắn sẽ làm khó mô hình kinh doanh này những ngày đầu, nhưng nó sẽ không chết vì tự khắc con người ta sẽ có những sáng kiến khác để duy trì cán cân cung cầu.
Xét về mặt xã hội, tôi hoàn toàn đồng ý xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe mà nó chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khác như quy hoạch, điều kiện đường xá, ý thức người dân... và tôi xin phép không bình luận thêm vấn đề này. Tuy nhiên, nếu nói cửa hàng, quán ăn, cây xăng... nằm ở những khu đắc địa gây ra tình trạng kẹt xe và đề nghị không cho phép điều này là một sự thiển cận vô cùng, không lẽ bạn ở trung tâm thành phố, muốn đổ xăng phải chạy ra ngoại thành.
Rất nhiều người chúng ta đang xét về vấn nạn kẹt xe để đưa ra luận cứ vì sao không nên quy định cấm xe máy mà ít ai nhắc đến vấn đề về môi trường. Tại sao ôtô cũng thải khí độc mà không bị cấm. Vì thứ nhất, nó đã và đang đại diện cho một nền kinh tế phát triển. Thứ hai, tất cả ôtô đều bắt buộc phải kiểm định định kỳ theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4, xe nào không đủ tiêu chuẩn đều không được cấp phép hoạt động, thực tế thực hiện như thế nào xin mạn phép không bàn đến.
Còn xe máy, không có bất cứ tiêu chuẩn nào. Xe 10 năm, 20 năm, thậm chí 100 năm vẫn có thể chạy trên đường, miễn là còn nổ máy và lăn bánh, lượng khí thải ra môi trường như thế nào thì không cần quan tâm. Từ bây giờ chúng ta nên suy nghĩ cho đời con cháu, đừng vì chút lợi ích cá nhân ở hiện tại lại gây ra hậu quả quá nghiêm trọng các đời sau phải gánh chịu.
Có một thực tế dù khó nhưng phải chấp nhận là người Việt mình quá lười nhác, họ có thể ngồi quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng từ sáng đến tối, nhưng quãng đường 100m họ không có đủ sự kiên nhẫn để cuốc bộ. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để mua về cái máy chạy bộ đặt ở giữa nhà và hiếm khi nó được khởi động.
Nhưng với vài trăm mét từ nhà đến cơ quan là một quãng đường quá dài họ không có đủ sức để vượt qua khi không có xe máy. Nhiều nước trên thế giới, người dân có thể đi bộ hàng cây số để đón được chuyến xe bus, chuyến tàu điện đưa họ đến chỗ làm và việc đi xe đạp, đi bộ dần trở thành một nét văn hóa.
Vậy tại sao chúng ta không chấp nhận xóa bỏ một thứ độc hại để thay thế bằng một nền văn hóa hiện đại và tốt cho hiện tại và tương lai. Mọi sự khởi đầu đều vô cùng khó, đôi khi phải có cả sự đánh đổi để đạt được điều chúng ta muốn. Nhưng nếu thấy khó mà chúng ta quay đầu thì làm sao để phát triển. Mỗi con người chúng ta hãy cùng thay đổi tư duy để lộ trình 2025 thành hiện thực và hy vọng lộ trình tiếp tục lan ra trên cả nước.
Thân ái.
Độc giả Nguyễn Phi Long