Nhìn ảnh trên, chắc hẳn nhiều độc giả sẽ chê trách, ôtô dàn hết các hàng thế kia, làm sao xe máy đi được. Nhưng nhìn sát dải phân cách, chắc hẳn vài tài xế ôtô cũng tỏ ra bực bội không kém, vì xe máy lại "chen" vào đây, chỗ của ôtô. Vậy ai đúng ai sai. Câu trả lời ở đây là không ai sai cả.
Vì sao lại không ai sai, bởi chúng ta cần dựa vào luật để trả lời. Ở các thành phố lớn khác tôi không biết, nhưng nội đô Hà Nội thì rất hiếm nơi phân chia làn đường dành riêng cho ôtô và xe máy. Có chăng là đường Võ Chí Công hay trước đây có Giải Phóng là phân chia làn theo phương tiện. Còn lại, khi không có biển, xe máy hay ôtô có thể đi bất cứ làn nào, miễn là tuân thủ luật.
Những ý nghĩ làn bên trái dành cho ôtô, bên phải dành cho xe máy là do chúng ta tự ăn vào đóng đinh vào quan điểm của mình để đánh giá người khác. Về luật chung chỉ có "làn bên trái dành cho xe đi nhanh, xe đi chậm đi về phía bên phải". Là người sử dụng cả xe máy và ôtô hàng ngày, tôi phân tích một chút, xem có đúng tâm lý của các bác tài không nhé.
Khi tôi lái ôtô, tất nhiên đi về bên trái. Nhưng lâu lâu, khi tôi đang muốn đi nhanh, lại có một chị, thậm chị hai ba người đi xe máy chậm rãi, vừa đi vừa buôn chuyện ngay trước mũi xe mình. Khi đó, ai cầm vô-lăng cũng ức chế. Không kìm nén được thì còi, miệng lẩm bẩm vài từ không hay ho, và cho rằng xe máy đang chiếm làn ôtô.
Khi tôi đi xe máy, đang ở làn trong, bỗng có một anh ôtô lách sang phải, chiếm luôn khoảng không gian phía trước. Tôi cũng ức, xe to thế chỗ đâu cho tôi đi.
Khi sang Thái Lan, tôi mới biết được xe máy ở đây họ đi rất lạ. Ôtô chăng hết 8-10 làn đường, xe máy đi vào giữa khoảng hở ôtô. Nhưng để làm được vậy, ôtô phải rất hạn chế đảo làn "như rang lạc", nói chung cứ thẳng tắp mà đi, không ai đụng ai. Tất nhiên, tắc đường là đặc sản của Bangkok.
Vậy nên, đừng đổ lỗi cho nhau xem ai chiếm làn của ai, ai là nguyên nhân tắc đường nữa. Nếu tập trung vào đường của mình, tuân thủ luật giao thông, hạn chế đảo làn để điền vào chỗ trống, giao thông tự khắc sẽ trật tự hơn.
Độc giả Hoàng Tùng