Ở các nước phát triển như châu Âu và Nhật, việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng cực kỳ tiện lợi và rất kinh tế. Ngược lại việc sở hữu và nuôi ôtô rất tốn kém, trừ khi bạn quá giàu có và có tài sản tích lũy khá. Do đó việc nhiều người không sở hữu ôtô là chuyện dễ hiểu: tàu điện, xe buýt vẫn thoả mãn nhu cầu đi lại, nhanh chóng, thuận tiện và rẻ.
Nhưng với Việt Nam thì còn rất lâu nữa giao thông công cộng mới giống như các nước đó, có thể là 20, 30 năm hay lâu hơn nữa, chắc chắn khoảng cách còn quá xa. Trong khi hàng ngày ta không thể không đi lại, vậy việc sở hữu xe cá nhân là chuyện bắt buộc do ta không có sự lựa chọn nào khác khả dĩ hơn xe cá nhân!
Xe cá nhân có thể là xe máy có thể là ôtô, vậy tại sao số lượng ôtô cá nhân vẫn tăng đều và tăng mạnh những năm gần đây bất chấp việc chính quyền đang dùng rất nhiều rào cản về thuế và phí để hạn chế? Tại sao? Vì việc ôtô thay xe máy là điều tất yếu của sự phát triển, và không thể ngăn cản được. Những gì thuộc về quy luật tự nhiên ắt sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Kinh tế phát triển, người giàu nhiều lên, và khi ăn no (xe máy) thì người ta sẽ nghĩ đến ăn an toàn (ôtô giá rẻ), thậm chí là ăn ngon (xe sang).
Trong đời mỗi người, ai cũng cố mưu cầu hạnh phúc, tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow cho bạn thấy tại sao ngày càng nhiều người muốn mua ôtô, và đó là một lẽ rất tự nhiên.
Trong tháp nhu cầu Maslow, tầng thấp nhất là các nhu cầu thiết yếu để tồn tại (ăn, uống, ngủ, thở...), tầng thứ 2 là tầng an toàn. Dễ thấy nhu cầu đi lại là thiết yếu (để đi làm, để kiếm sống...) nên khi đi xe máy cũng thoả mãn. Tuy nhiên, đi xe máy không làm cho ta hạnh phúc vì nó không an toàn. Do đó khi đã có đủ khả năng tài chính, tự nhiên ta bắt đầu có nhu cầu đi lại nhưng phải an toàn, khi đó ta muốn đi ôtô. Xe buýt, taxi hay tàu không lý tưởng, tự nhiên ôtô cá nhân là giải pháp cuối cùng (riêng ở Việt Nam)!
Việc này cũng rất giống với việc đầu tiên ta cần ăn để tồn tại, sau đó khi đã no đủ, ta lại muốn ăn an toàn, do đó ta sẵn sàng chi trả cho rau sạch và thực phẩm đảm bảo an toàn, dù đắt hơn cũng mua. Trừ những người đang chưa có thu nhập tốt thì họ đành chấp nhận đi xe máy vì ôtô vượt quá khả năng. Nhưng kinh tế ngày càng phát triển, số người có thu nhập khá ngày càng tăng, và việc mua ôtô là điều tất yếu.
Đến đây chắc rất nhiều người có quan điểm trái chiều sẽ nói rằng: tắc đường, tìm chỗ đỗ xe khó, chi phí nuôi xe cao, rồi cả việc mua ôtô là tiêu sản, abc xyz... Tôi nghĩ khác!
Những kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân nhiều người cũng biết chứ, mua ôtô với mục đích không kinh doanh vận tải là tiêu sản, nhưng đôi khi không thể áp dụng lý thuyết một cách máy móc được. Theo tôi càng ở Việt Nam càng nên đi ôtô, trừ khi thu nhập không đảm bảo. Cuộc sống chỉ là một khoảnh khắc trong vũ trụ, khi ta chết cũng có mang đi được cái gì đâu. Sống hạnh phúc và cố gắng tiệm cận với văn minh thế giới khi còn có thể. Khi bạn sở hữu ôtô sẽ có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà chính bạn trước đây không ngờ tới.
Hãy làm chủ cuộc sống của chính mình: không lo cướp giật, không lo khí thải độc hại tích lũy gây vô sinh/ung thư, thời tiết cực đoan thất thường, không lo xe điên (ít nhất cũng giảm rất nhiều % tử vong khi có tai nạn), những điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của ta khi đi xe máy.
Có những thứ đáng lẽ ra bạn được mặc định bảo vệ khi tham gia giao thông ở các nước phát triển thì ở Việt Nam bạn không có. Ví dụ, lái xe uống bia rượu phổ biến, xe điên, xích mích rượt đuổi nhau, xe có tiêu chuẩn khí thải không cao gây ung thư vẫn đạt chuẩn lưu hành. Vượt đèn đỏ, xe tải xe container va vào thường có thể bị cán tiếp cho chết hẳn để khỏi "lằng nhằng". Mãi lộ bảo kê để một số xe chạy ẩu, chạy quá tốc độ, xe vua, và số người chết hàng năm vì tai nạn giao thông là một con số quá thuyết phục rằng ra đường là ra chiến trường.
Như các cụ xưa có câu "chờ được vạ thì má đã sưng", khi ta không trông đợi được xã hội, chính quyền bảo vệ (ít nhất là thời điểm hiện tại tại Việt Nam), theo lẽ tự nhiên ta sẽ tự bỏ tiền ra bảo vệ bản thân, và ta sẽ còn lựa chọn duy nhất mua ôtô khi ở Việt Nam.
Hàng ngày đọc những tin chết vì tai nạn giao thông vì những lý do lãng xẹt mà thấy đau đớn xót xa. Có những cái gây phẫn nộ như thi công đổ cẩu hay vật liệu đổ ra đường làm chết người, hay làm cái gờ trên mặt đường hay nắp hố ga cao hơn 10 cm làm trượt bánh xe máy, ngã xe và bị cán chết. Những điều thật hoang đường đó vẫn xảy ra, chẳng ai chịu trách nhiệm, cùng lắm đền vài chục triệu rồi cho rằng đó là "không may"! Rồi "họ" lại rút kinh nghiệm sâu sắc, rồi những điều đó lại xảy ra. Cuối cùng chỉ dân đen khổ, chết là thiệt thân.
Không các bạn ạ, tôi chấp nhận tắc đường nhưng không khói bụi, tôi chấp nhận mua đắt gấp 3 lần bên Mỹ, tôi chấp nhận tiêu sản, nhưng tôi đổi lấy sức khỏe, tính mạng của bản thân và người thân của mình. Còn con người là còn tất cả, tiền bạc có là gì khi người không còn, vô sinh/ung thư vì khói xe hay chết hoặc tàn phế vì tai nạn giao thông?
Tôi cảm thấy rất tiếc khi thay vì tạo điều kiện và thay đổi cách quản lý, quy hoạch, tạo điều kiện cho một sự phát triển tất yếu xảy ra thì ta lại kìm hãm ôtô, nhưng cuối cùng cũng không kìm hãm được những gì thuộc về tự nhiên.
Nếu có thu nhập khá và ổn định nên mua xe, kể cả trả góp. Ôtô chỉ là phương tiện và nó bảo vệ bạn, bạn còn chần chừ gì nữa?
Độc giả Hoàng Đức